|
Ảnh minh họa
|
Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm nay, khoảng từ 7-8%.
Adima Jushio, phóng viên NHK thường trú tại Singapore cho rằng trong số những vấn đề đáng lưu ý đối với các nền kinh tế châu Á trong năm nay, vấn đề trước hết là qui mô lớn của khu vực, với Trung Quốc có dân số 1,3 tỷ người; Ấn Độ 1,1 tỷ người; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có dân số tổng cộng 570 triệu người.
Những thị trường rộng lớn này có thể sẽ trở nên ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, đó là điểm cần đặc biệt lưu ý trong năm nay.
Năm nay ASEAN dự kiến hoàn tất 5 hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và Nhật Bản. Các hiệp định này sẽ dỡ bỏ nhiều rào cản thương mại và đẩy nhanh tiến trình đi tới một thị trường hợp nhất với dân số tổng cộng lên tới 3,2 tỷ người.
Các hiệp định sẽ xóa bỏ thuế quan, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các công ty kinh doanh ở châu Á. Các công ty sẽ buộc phải thay đổi chiến lược tiếp thị và các kênh thu mua đầu vào nếu họ muốn giữ được ưu thế hay ít nhất là không để bị bỏ lại phía sau.
Theo ông Jushio, một số nước châu Á sẽ thu hút được ngày càng nhiều công ty đến làm ăn và đầu tư, trong khi một số nước khác có thể sẽ có các nhà máy phải đóng cửa và chuyển sang nơi khác.
Các hiệp định thương mại tự do cũng được trông đợi sẽ thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng xuyên qua nhiều nước và nhiều thị trường khác nhau, trong số đó có các dự án phát triển khu vực dọc sông Mekong, cũng như hành lang Đông-Tây chạy từ Việt Nam tới Myanmar, và hành lang Bắc Nam chạy từ Trung Quốc tới Thái Lan.
Các doanh nghiệp và các chính phủ có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ, với hy vọng về một thị trường Đông Á hợp nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, các chính phủ và doanh nghiệp châu Á vẫn lo ngại các hiệp định trên có thể dẫn tới gia tăng khoảng cách chênh lệch về kinh tế.
Tại Trung Quốc, nơi thường được nói tới như công xưởng của thế giới, các cơ sở sản xuất có lượng hàng tồn kho quá cao trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Do vậy các công ty Trung Quốc đang đặt hy vọng vào châu Á như một thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Các nước ASEAN cũng lo ngại năng lực cạnh tranh của họ suy giảm do hàng hóa Trung Quốc tràn vào.
Ông Jushio cho rằng trong năm 2010, các nước châu Á cần kiên nhẫn phối hợp các biện pháp để tránh xảy ra trường hợp một nước hay một khu vực nào đó được hưởng lợi từ thiệt hại của các nước khác hay khu vực khác, và tìm ra phương cánh để chia sẻ lợi ích và thiệt hại./.