Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) lần thứ 15 (diễn ra ngày 4-5/12/2008) đã bàn về chủ đề ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng, hài hòa hóa thủ tục và hiệu quả viện trợ ODA dành cho Việt Nam. Hầu hết, đại diện các nhà tài trợ đều đánh giá cao việc sử dụng, tốc độ giải ngân cũng như khả năng trả nợ của Việt Nam; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để kinh tế Việt Nam phát triển vững chắc.
Bên thềm Hội nghị CG 2008, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Martin Rama nhận xét: Năm 2008, Việt Nam là một trong 5 quốc gia tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi không lãi suất của WB bởi hiệu quả sử dụng, tốc độ giải ngân cũng như khả năng trả nợ của Việt Nam tương đối tốt. Ông cho biết, WB dự kiến duy trì vốn ODA cho Việt Nam trung bình mỗi năm khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài ra, WB cũng đã đồng ý cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 1,5 tỷ USD với lãi suất thấp trong vòng 3 năm theo các điều kiện của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Các hiệp định lớn trong năm 2009 mà WB dự kiến ký kết với Chính phủ Việt Nam bao gồm: Dự án phát triển thủy điện ( vốn 100 triệu USD), Dự án phát triển năng lượng tái tạo (150 triệu USD), Dự án đảm bảo chất lượng đào tạo trường học (100 triệu USD)...
Ông Martin Rama cho rằng, để thực sự phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng mục đích sử dụng nguồn vốn này, cũng như quản lý hoạt động đầu tư một cách chặt chẽ.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Konoshi cho rằng, vấn đề trước mắt hiện nay của Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô, sau đó là phát triển hạ tầng cơ sở và tăng cường hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, minh bạch và thông thoáng. Đặc biệt là cuộc chiến chống tham nhũng cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa nhằm xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, để thu hút đầu tư vào Việt Nam cũng như để phát triển kinh tế vĩ mô.
Trong năm 2009, ADB dự kiến sẽ hỗ trợ, ký kết nhiều dự án với Chính phủ Việt Nam. Trong đó có các dự án lớn như Dự án sản xuất điện tại Cà Mau (vốn 400 triệu USD), Dự án đường vành đai 2 tại thành phố Hồ Chí Minh (vốn 300 triệu USD)...
Đại diện Bộ Phát triển Anh quốc (DFID) Fiona Louise Lappin hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu giảm nghèo làm trọng tâm trong các chính sách kinh tế xã hội và duy trì các khoản chi ngân sách cho lĩnh vực xã hội trong năm 2009.
Bà Fiona Louise Lappin cũng cho biết, DFID đã ký kết với Việt Nam một thỏa thuận 10 năm, theo đó, mỗi năm DFID tài trợ không hoàn lại 50 triệu bảng Anh. Trước mắt, trong năm 2009, khoản viện trợ này sẽ tập trung vào các lĩnh vực như xúc tiến phát triển thương mại, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Bà Lappin đánh giá cao các biện pháp thắt chặt tiền tệ, cắt giảm chi tiêu công của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn lạm phát, song khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng với sự lựa chọn, giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính hiệu quả cao.
Trong bản tham luận của mình, đại diện Liên minh châu Âu hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã thi hành những biện pháp hiệu quả nhằm ổn định tình hình và giữ vững lòng tin của các nhà tài trợ kinh tế; đồng thời mong muốn là đối tác lâu dài của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) James Adams đánh giá cao về tình hình phát triển kinh tế xã hội, cũng như những tiến bộ, đổi mới về thể chế của Việt Nam sau 15 kỳ CG, ông cũng hài lòng với những kết quả CG đã mang lại cho Việt Nam trong 15 năm qua.
Trong Hội nghị ngành Tài chính được tổ chức ngày 3/12, Bộ Tài chính đã công bố bản báo cáo về quản lý nợ nước ngoài và hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam. Báo cáo khẳng định, Việt Nam luôn theo đuổi chính sách sử dụng nguồn vốn ODA thận trọng và có kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Các quy định về quản lý tài chính đối với nguồn vốn ODA luôn được cải tiến, hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính trách nhiệm của cơ quan thực hiện trong các khâu quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện, thanh toán vốn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tránh chồng chéo về trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Báo cáo cũng cho biết, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, khi điều kiện nguồn vốn của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển ngày càng giảm sút thì nguồn vốn cam kết ODA dành cho Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước.
Kể từ khi các nhà tài trợ quốc tế tái khởi động chương trình ODA cho Việt Nam tháng 11 năm 1993 đến nay, đã có tới 22 tỷ USD được giải ngân trong tổng số 42,5 tỷ USD vốn ODA cam kết.
Cho đến gần đây, Việt Nam luôn được coi là một trong những quốc gia sử dụng hiệu quả vốn ODA nhất trên thế giới, đưa tỷ lệ đói nghèo giảm từ khoảng 58% năm 1992 xuống khoảng 15% năm 2007.
|
Cổng thông tin điện tử Chính phủ