Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/1 thông báo thâm hụt ngân sách liên bang trong tháng 12/2009 đã lên tới mức kỷ lục 91,8 tỷ USD.
|
Thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ trong tháng 12/2009 đã lên tới mức kỷ lục
|
Đây là tháng thứ 15 liên tiếp ngân sách của Mỹ thâm hụt, với tốc độ nhanh hơn nhiều trong quý I năm tài chính 2010 (bắt đầu từ ngày 1/10/2009) so với năm trước đó.
Như vậy, trong quý I của tài khóa 2010, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 388 tỷ USD, tăng 56,5 tỷ USD so với mức thâm hụt 332 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong quý I này, tổng thu ngân sách là 487 tỷ USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng chi ngân sách cũng giảm 0,4% xuống 878 tỷ USD.
Bộ Tài chính Mỹ dự báo trong cả năm tài khóa 2010, ngân sách sẽ thâm hụt 1.500 tỷ USD, tăng 5,6% so với mức 1.400 tỷ USD của tài khóa 2009.
Mức thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2008-2009, kết thúc vào cuối tháng 9/2009, chiếm gần 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là mức thâm hụt cao nhất so với GDP kể từ năm 1945 tới nay.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama ước tính trong thập kỷ này, tổng thâm hụt ngân sách liên bang sẽ là hơn 9.000 tỷ USD. Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đã cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách hiện ở mức hai con số xuống 3% GDP trong trung hạn.
Lạc quan hơn thông tin trên của Bộ Tài chính, trong báo cáo Beige Book ra cùng ngày, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới đang dần phục hồi, đặc biệt trong các lĩnh vực như chi tiêu tiêu dùng, chế tạo và nhà đất. Theo FED, các số liệu cho thấy trong khi các hoạt động kinh tế vẫn ở mức thấp, các điều kiện đã được cải thiện và những cải thiện này đang ngày một tăng.
Giới phân tích nhận định báo cáo trên cho thấy FED sẽ không có thay đổi nào trong chính sách tiền tệ thời gian tới. Mức lãi suất thấp kỷ lục từ 0-0,25% sẽ tiếp tục được duy trì./.