Các chi tiết về một quỹ dự trữ ngoại tệ lớn của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã được thống nhất vào hôm qua, 3/5, nhân hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Bali, Indonesia.
|
Các Bộ trưởng Tài chính (ASEAN+3) họp báo chung tại Bali, Indonesia, ngày 3/5
|
Hiện tại, hợp tác trong các lĩnh vực tài chính được xem là vô cùng cần thiết và cấp bách để đối phó với tình hình kinh tế-tài chính vẫn còn khá “u ám”.
Tháng 5/2007, ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa ra Sáng kiến Chiang Mai nhằm giúp các nước khắc phục tình trạng thiếu ngoại tệ khả dụng.
Sáng kiến này sau đó được phát triển thành một quỹ dự trữ ngoại tệ khu vực gọi là Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM). Theo đó, các nước ASEAN+3 cam kết đóng góp 120 tỷ USD cho quỹ này để đối phó với khủng hoảng tài chính.
Trong cuộc họp với Ban Giám đốc ADB, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đã đạt được sự nhất trí về tất cả các hợp phần chính của CMIM, dự định triển khai trước cuối năm nay.
Thỏa thuận về CMIM bao gồm "mức đóng góp của từng quốc gia, khả năng tiếp cận vay vốn, và cơ chế giám sát." Theo đó, tỷ lệ đóng góp của ASEAN và 3 nước đối tác tương ứng là 20% và 80%.
Cụ thể, Trung Quốc và Nhật Bản đều sẽ đóng góp 38,4 tỷ USD, còn Hàn Quốc góp 19,2 tỷ. Trong phần đóng góp của Trung Quốc, Đặc khu Hành chính Hồng Kông tham gia góp 4,2 tỷ USD.
Theo một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, CMIM được thành lập nhằm "giải quyết những khó khăn thanh khoản ngắn hạn tại khu vực và bổ sung thêm cho những thỏa thuận tài chính quốc tế hiện có.”
Các Bộ trưởng đồng ý thành lập một đơn vị giám sát độc lập để giám sát và phân tích các nền kinh tế trong khu vực và hỗ trợ CMIM đưa ra các quyết định. Khởi đầu, sẽ có một ban cố vấn gồm các chuyên gia hợp tác chặt chẽ với ADB và Ban Thư ký ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng cho biết sẽ thành lập một Cơ chế Đầu tư và Bảo đảm Tín dụng (CGIM) như là một quỹ tín thác của ADB với vốn ban đầu trị giá 500 triệu USD./.
Hoàng Nguyên
Cổng thông tin điện tử Chính phủ