Hội nghị Liên hợp quốc về khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu và ảnh hưởng đến phát triển đã khai mạc ngày 24/6 tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Mỹ.
Tham dự Hội nghị có đại diện Chính phủ của 142 nước, trong đó có 19 vị đại diện lãnh đạo quốc gia và 37 đại diện cấp bộ trưởng. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Lê Đức Thúy, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Theo chương trình, trong 3 ngày từ 24 đến 26/6, Hội nghị diễn ra các phiên họp toàn thể và tọa đàm bàn tròn tập trung đánh giá ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đến phát triển, nhất là việc thực hiện các Mục tiêu phát triển quốc tế, trong đó có các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG); phối hợp và hợp tác quốc tế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng toàn cầu; vai trò của Liên hợp quốc trong việc ứng phó với khủng hoảng và thúc đẩy cải cách cấu trúc kinh tế-tài chính toàn cầu. Hội nghị thảo luận báo cáo về cải cách hệ thống tài chính-tiền tệ quốc tế do Ban chuyên gia Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc chuẩn bị đứng đầu là Giáo sư Joseph Stiglitz (đoạt giải Nobel kinh tế 2001).
Hội nghị dự kiến thông qua văn kiện kết quả Hội nghị, trong đó nhấn mạnh các giải pháp kích thích kinh tế cần phát huy tác dụng cho tất cả các quốc gia, tăng cường giám sát và quản lý nền kinh tế thế giới, và thúc đẩy cải cách hệ thống và thể chế kinh tế-tiền tệ quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Miguel D’s Escoto Brokman nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay đang có nguy cơ trở thành khủng hoảng xã hội, môi trường và nhân đạo, đồng thời, kêu gọi tăng cường phối hợp hành động quốc tế nhằm xây dựng khuôn khổ chính sách và những nguyên tắc đạo đức cho nền kinh tế toàn cầu dựa trên tôn trọng sự đa dạng về hoàn cảnh văn hoá và giá trị truyền thống của các dân tộc.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban-Kim-Moon cảnh báo không nên quá lạc quan trước những dấu hiệu tích cực của một số nền kinh tế mới đây và bày tỏ lo ngại những tác động tiêu cực của khủng hoảng đối với các vấn đề phát triển và đói nghèo, nhất là với các nước đang phát triển trong nhiều năm tới; kêu gọi nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế đã đạt được bằng những hành động cụ thể, đặc biệt là cam kết về hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với khủng hoảng, tăng viện trợ cho các nước nghèo.
Hầu hết các ý kiến tại Hội nghị đều đánh giá các nước đang phát triển phải chịu tác động nặng nề của khủng hoảng; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước thu nhập thấp; ủng hộ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong việc phối hợp nỗ lực toàn cầu ứng phó với khủng hoảng; nhấn mạnh sự cần thiết cải cách quản trị và cấu trúc kinh tế- tài chính toàn cầu bình đẳng và dân chủ hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và lợi ích của các nước đang phát triển.
Phát biểu tại phiên toàn thể ngày 24/6, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Liên hợp quốc về phối hợp hành động toàn cầu nhằm ứng phó với khủng hoảng, đề nghị cộng đồng quốc tế cần quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực quốc tế để đạt các mục tiêu phát triển, trong đó có mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG); ủng hộ sớm kết thúc vòng đàm phán Đôha, trong đó tiếp tục dành đối xử đặc biệt và tạo thuận lợi tiếp cận thị trường cho các nước đang phát triển; ủng hộ sự cần thiết cải cách cải cách hệ thống tài chính quốc tế, trong đó chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các tổ chức tài chính quốc tế phải được cải tổ cho phù hợp hơn, các nước đang phát triển có tiếng nói và tham gia bình đẳng hơn, có khả năng tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn quốc tế; ủng hộ cải cách Liên hợp quốc để hoạt động hiệu quả hơn, qua đó hỗ trợ tốt hơn các nước đang phát triển.
Nhân dịp dự Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam còn tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Goldman Sachs và dự Tọa đàm với các doanh nghiệp Mỹ do Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phối hợp với tập đoàn Vietnam Partners tổ chức./.