Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/12/2009-14:37:00 PM
Nhật Bản "bơm" 31 tỷ USD để kích thích kinh tế
Chính phủ Nhật Bản ngày 30/11 tuyên bố nước này có kế hoạch chi bổ sung 2,7 nghìn tỷ Yên (31 tỷ USD) trong tài khóa hiện nay để kích thích nền kinh tế, trong bối cảnh đồng Yên tăng giá mạnh so với USD và giá cổ phiếu sụt giảm, gây nguy cơ lớn với nền kinh tế.
BOJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ các hoạt động của nền kinh tế, và sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định thị trường tài chính
Bộ trưởng Tài chính Nhật Hirohisa Fujii bày tỏ quan ngại rằng, tình trạng đồng Yên tăng giá gây tác hại đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Nguy cơ lớn từ việc đồng Yên tăng giá
Quyết định bơm thêm 31 tỷ USD kích thích kinh tế nói trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama triệu tập cuộc họp nội các bất thường hôm 27/11 và chỉ đạo các bộ trưởng nhanh chóng đưa ra biện pháp hữu hiệu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng đồng Yên tăng giá và sự suy giảm trên thị trường chứng khoán Tokyo. Trong phiên giao dịch sáng 30/11 tại thị trường Tokyo, 1 USD đổi được 86,74 Yên.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirofumi Hirano nhận định, những biến động nhanh và đột biến về tỉ giá là điều đáng ngại. Chính phủ đã nghiên cứu các giải pháp về chính sách kinh tế để đối phó hiệu quả tình hình này.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Masaaki Shirakawa khẳng định, ngân hàng đang theo dõi sát sao việc đồng Yên tăng giá mạnh so với USD trong những ngày qua gây ảnh hưởng như thế nào đối với tâm lý của các chủ doanh nghiệp. Ông Shirakawa cho biết, sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ các hoạt động của nền kinh tế, và sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định thị trường tài chính.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Masayuki Naoshima cũng cho rằng, tình trạng đồng Yên tăng giá hiện nay "gây ra nguy cơ lớn đối với nền kinh tế vì làm giảm sức cạnh tranh và tác động tiêu cực đến hoạt động điều hành kinh tế". Đồng Yên mạnh gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu vì khiến cho hàng hóa Nhật Bản ở nước ngoài đắt hơn, trong khi lợi nhuận tính bằng USD khi quy đổi sang Yên lại giảm đi.
Đà phục hồi kinh tế còn yếu
Trong quý 2 vừa qua, kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,2% so với quý trước. Các con số này vượt xa mức dự kiến tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,7% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong tháng 10/09 cũng giảm xuống còn 5,1%, so với 5,3% trong tháng 9 và vượt mức dự kiến 5,4% của thị trường.
Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 10 chỉ tăng nhẹ là 0,5% so với tháng 9, mặc dù là tháng thứ tám tăng liên tiếp nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức dự đoán của chính phủ là 2,5%. Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng công nghiệp của nước này giảm tới 15,1%. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong hơn ba năm qua, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào giảm phát.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản, ông Naoto Kan, hôm 20/11 đã xác nhận điều này trong cuộc họp báo đánh giá về tình hình kinh tế trong nước. Ông kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sớm có biện pháp thích hợp vì chính sách tiền tệ giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn giảm phát.
Bộ trưởng Tài chính Hirohisa Fujii cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng giảm phát vì nó đe dọa ngăn chặn khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới đây đã phải tuyên bố duy trì lãi suất ở mức siêu thấp (0,1%) và khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ để nền kinh tế Nhật Bản trở lại mức tăng trưởng bền vững cùng với sự ổn định về giá cả.
Bộ trưởng Hirohisa Fujii nhấn mạnh rằng, việc yêu cầu Mỹ và các nước châu Âu hợp tác để giảm căng thẳng trên thị trường tiền tệ là "một trong những biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản có thể thực hiện", tùy thuộc vào tình hình. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận mới đây G-7 theo đó tái khẳng định việc đưa ra giải pháp chung nhằm loại bỏ bất cứ "biến động bất thường nào về tỷ giá hối đoái"./.
Trung Việt
VnEconomy

    Tổng số lượt xem: 668
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)