Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Robert Zoellick, nhận định, 2009 đang biến thành một năm rất "nguy hiểm" đối với kinh tế thế giới và cảnh báo các thành viên nhóm G20 về các chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm chống lại sự suy thoái.
Trước đó, WB dự báo trong năm 2009 kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm lần đầu tiên kể từ chiến tranh thế giới thứ II, đồng thời cho rằng các nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính từ 270-700 tỷ USD.
Trong một báo cáo, WB cho biết kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, với tăng trưởng thấp hơn mức tiềm năng ít nhất 5 điểm phần trăm và điều này ảnh hưởng tới cả các nước phát triển và đang phát triển.
Theo WB, sản lượng công nghiệp toàn cầu vào giữa năm nay có thể thấp hơn năm ngoái 15%; kim ngạch buôn bán sẽ giảm mạnh nhất kể từ 80 năm trở lại đây, trong đó Đông Á là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất.
Chủ tịch Zoellick nói rằng chỉ 1/4 số nước đang phát triển có khả năng đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, thông qua việc thực hiện các chương trình tạo việc làm và ổn định xã hội. Đây thực sự là thời kỳ khó khăn khi tác động của khủng hoảng ngày càng lớn đối với các nước đang phát triển.
Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng đã kêu gọi thế giới cần có nhiều chương trình kích cầu kinh tế hơn nữa, trước hết là các chương trình từ nay tới năm 2010 và 2011, trong đó cần có sự phối hợp điều chỉnh trên phạm vi quốc tế.
IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 chỉ đạt 0,5%, nhưng không loại trừ khả năng sẽ hạ mức dự đoán này trong những tháng tới.