Thị trường nhà đất dần được cải thiện, tâm lý lạc quan trước kết quả cuộc khảo sát các ngân hàng Mỹ, những tin tức sáng sủa hơn từ khu vực chế tạo ở châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ - tất cả đang làm dấy lên hy vọng cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua có lẽ đã "chạm đáy".
|
Trong một phiên giao dịch trên sàn chứng khoán New York
|
Theo các số liệu thống kê, ngành chế tạo suy giảm ở tốc độ chậm nhất trong vòng 6 tháng qua ở châu Âu, tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ trong tháng 4, trong khi doanh thu bán nhà xây sẵn và chi tiêu xây dựng ở Mỹ đột ngột tăng trong tháng 3 - mức tăng đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi phí cho xây dựng trong tháng 3 tăng 0,3% và đây là mức tăng đầu tiên sau 5 tháng liên tục sụt giảm, và được cải thiện hơn nhiều so với mức giảm 1,5% mà các nhà phân tích từng dự đoán.
Theo Hiệp hội các nhà kinh doanh Bất động sản Quốc gia, trong tháng 3, chỉ số nhà bán ra tăng 3,2% lên 84,6 điểm, mức tăng hàng tháng thứ 2 sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 1.
Theo một quan chức cấp cao của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), suy thoái đang dịu bớt và tăng trưởng sẽ trở lại vào cuối năm nay.
Chứng khoán của Mỹ và châu Âu đều tăng do các nhà đầu tư phấn khởi trước kết quả khảo sát ngành ngân hàng do FED thực hiện và dự kiến công bố ngày 7/5, hy vọng rằng số liệu của thị trường nhà ở nêu trên đồng nghĩa với việc suy thoái đang chấm dứt. Lần đầu tiên kể từ đầu tháng 1, chỉ số S&P 500 đã lên tới ngưỡng 900 vốn quan trọng về mặt tâm lý.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo kinh tế Mỹ sẽ vẫn phải đối mặt với những mối đe dọa xuất phát từ làn sóng sa thải nhân công hàng loạt và vỡ nợ thế chấp gia tăng - một động thái khiến nhiều ngân hàng siết chặt các tiêu chuẩn cho vay.
Ngày 4/5, FED cho hay khoảng 50% số ngân hàng Mỹ đã siết chặt các tiêu chuẩn cho vay thế chấp ưu đãi và 65% siết chặt tiêu chuẩn cho vay thế chấp phi truyền thống.
Một số nhà phân tích lo ngại thị trường bất động sản có thể rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn. Tỷ lệ các khoản cho vay mua khách sạn, văn phòng và các tòa nhà công nghiệp và bán lẻ đã quá hạn thanh toán tăng mạnh trong những tháng gần đây và có thể tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2010 khi các công ty sa thải nhân công, giảm quy mô hoặc đóng cửa cơ sở sản xuất.
Do những vấn đề nêu trên, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ dự kiến tiếp tục suy giảm trong quý II/2009. Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Brack Obama cho biết họ không cần yêu cầu Quốc hội Mỹ chi thêm tiền để hỗ trợ các ngân hàng.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs, vẫn có các ngân hàng cần thêm vốn, song chính quyền hy vọng họ có thể tự huy động./.