Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/03/2009-12:30:00 PM
Ngành xuất khẩu của nhiều nước châu Á lao đao

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kim ngạch buôn bán toàn cầu năm nay có thể giảm 2,8%, sau khi tăng 4,1% năm ngoái và 7,2% năm 2007. Tại một cuộc họp ở Geneve (Thụy Sĩ) hồi đầu tháng 2 vừa qua, đại diện 153 nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhất trí cho rằng, có nhiều nguy cơ thế giới rơi vào vòng xoáy của những hành động bảo hộ mậu dịch. WTO nhất trí tăng cường giám sát sự ảnh hưởng của các biện pháp nhằm cản trở hoạt động nhập khẩu hay thúc đẩy xuất khẩu trên toàn cầu.
Theo nhận định của Bộ Thương mại Singapore, nền kinh tế quốc đảo sư tử có nguy cơ thụt lùi với tỷ lệ tăng trưởng âm 2% trong năm 2009. Ðây cũng là sự phản ánh triển vọng không mấy sáng sủa của các nền kinh tế châu Á trong năm 2009, đặc biệt đối với các quốc gia trong thời gian qua đã lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng. Nguyên nhân của thực trạng này là tình hình khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt từ tháng 11-2008 đến nay, làm cho mức cầu, mức giao dịch thương mại, mức đầu tư trên thế giới sụt giảm đáng kể. Ngay từ tháng 10-2008, Singapore đã trở thành nước châu Á đầu tiên bước vào suy thoái. Tình hình ngày càng nặng nề thêm sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới lâm vào khủng hoảng, trong đó có các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Singapore là Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản.
Tại khu vực Ðông - Nam Á, trong tình trạng tương tự, có thể kể đến Thái-lan. Nếu trước lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, tỷ trọng xuất khẩu trong nền kinh tế nước này chỉ là 40%, thì hiện nay, tỷ lệ đó đã tăng vọt lên 60%. Xuất khẩu đóng góp tới 65% GDP của Thái-lan. Năm 2008, mặc dù kinh tế tài chính thế giới gặp nhiều khó khăn song xuất khẩu của nước này vẫn tăng trưởng khá. Triển vọng xuất khẩu hàng hóa của Thái-lan năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới suy giảm và tình hình chính trị bất ổn trong nước. Xuất khẩu sẽ tăng chậm lại hoặc không tăng có thể buộc nhiều công ty, nhà máy phải đóng cửa hay sa thải nhân công trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại thận trọng hơn khi xuất tiền cho giới thương gia vay. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn chính trị trong nước vẫn chưa được giải quyết dù Thái-lan đã có một chính phủ mới. Theo các quan sát viên, là một trong bảy mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Thái-lan, nhưng xuất khẩu gạo của Thái-lan trong năm dự kiến giảm 15% về khối lượng xuống chỉ còn 8,5 triệu tấn và giảm tới 20% về giá trị. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái-lan cảnh báo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước này sẽ rơi vào tình trạng lượng đơn đặt hàng rất thấp. Hơn nữa, giá gạo Thái-lan khá cao sẽ làm cho xuất khẩu mặt hàng này khó khăn hơn so với các loại gạo có giá rẻ hơn của Việt Nam và Ấn Ðộ. Do kinh tế thế giới khủng hoảng nên nhu cầu của người tiêu dùng giảm và họ có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm đông lạnh rẻ tiền hơn. Xuất khẩu của ngành dệt may có thể cũng chỉ tăng 0-5%, mức được cho là tồi tệ nhất trong 10 năm qua. Với tình trạng kinh tế khó khăn hơn tại ba thị trường nhập khẩu chủ chốt là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản từ sau khi khủng hoảng tài chính bùng phát, rõ ràng là xuất khẩu của Thái-lan, Singapore và của các nước châu Á khác đều tuột dốc. Nhu cầu tiêu thụ của thế giới giảm sút cộng với việc giá cả đi xuống dự kiến sẽ gây thêm áp lực đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Malaysia, như dầu cọ thô, cao-su và thiếc. Hiện các nhà sản xuất nhỏ và các nhà xuất khẩu Malaysia đang gặp nhiều khó khăn bởi dầu cọ rớt giá, và nhiều nhà nhập khẩu phá hợp đồng. Các nhà sản xuất dầu cọ Malaysia đã đề nghị chính phủ thực hiện các biện pháp tức thời và hiệu quả để hỗ trợ ngành công nghiệp này. Xuất khẩu của Indonesia đã giảm 20,6% trong tháng 12-2008, so với cùng kỳ năm 2007, là mức giảm thấp nhất trong bảy năm gần đây. Từ đầu năm 2009, chỉ số giá tiêu thụ nội địa giảm, giá dầu cọ và cao-su giảm mạnh cùng với khó khăn trong ngành xuất khẩu hàng điện tử là những yếu tố kéo tỷ lệ tăng trưởng của nước này đi xuống. IMF dự báo tỷ lệ tăng trưởng của Philippines năm 2009 giảm còn 2,2% (chưa bằng một nửa so với năm ngoái), chủ yếu do ngành xuất khẩu sa sút và các khoản tiền từ lao động xuất khẩu gửi về giảm đáng kể.
Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc cho biết, hầu hết hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng tiêu cực, trong đó ô-tô, phụ tùng ô-tô, máy tính và hàng hóa điện tử dân dụng giảm hơn 50% so với năm ngoái. Hàn Quốc bị thâm hụt thương mại 13,3 tỷ USD trong năm 2008, so với 14,6 tỷ USD năm 2007. Dự báo xuất khẩu của nước này có thể tiếp tục đối mặt những khó khăn do kim ngạch thương mại thế giới với Hàn Quốc có thể giảm 2,8% năm 2009 so với mức tăng hơn 4% năm 2008. Trong khi đó, Quốc hội Hàn Quốc chưa có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu đạt 450 tỷ USD cho đến sau quý I-2009.
Hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản giảm đều trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên hàng đến thị trường Mỹ giảm 33,8%, và là con số kỷ lục. Hàng xuất khẩu sang EU giảm 30,8%. Hàng xuất sang Trung Quốc giảm 24,5%, sự sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1995.
Nhiều công ty nhập khẩu ở các nước phương Tây đã hủy bỏ đơn đặt hàng với Ấn Ðộ kể từ khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu sa sút năm ngoái. Trong tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Ấn Ðộ đã giảm tới 20%, và chính phủ cảnh báo rằng một số công ty xuất khẩu có thể sẽ phải đóng cửa. Dệt may và nữ trang nằm trong số những ngành bị tác động mạnh nhất vì thị trường chính của họ là Mỹ và châu Âu, nơi mà nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy thoái.
Theo Cục Hải quan Trung Quốc, hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm nay đã giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 2,9% vào tháng 12-2008. Ðây là mức giảm mạnh nhất trong gần 13 năm qua do nhu cầu sử dụng hàng hóa tại Mỹ và châu Âu đi xuống.

Chính phủ các nước châu Á, một số thành viên ASEAN đã tung ra nhiều kế hoạch vực dậy nền kinh tế để ngăn chặn những hệ quả xấu của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN, Bộ trưởng Tài chính Thái-lan Chatikavanij kêu gọi tăng cường hội nhập kinh tế nội khối ASEAN và toàn khu vực châu Á để đưa khu vực vượt qua tình hình khó khăn kinh tế đang ngày càng nghiêm trọng. Ông khẳng định hội nhập đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi mà kinh tế châu Á không thể dựa vào nguồn cầu hàng hóa ở phương Tây.


Báo Nhân dân điện tử

    Tổng số lượt xem: 1022
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)