Báo cáo ngày 01/12/2009 của UBND tỉnh Bình Dương.
I. Vềngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trìtăng trưởng kinh tế:
Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính Phủ.
Đã xây dựng và tập trung triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ lồng ghép với các nhiệm vụ kế hoạch năm 2009, phân công cụ thể cho các đơn vị thực hiện và định kỳ báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành tăng cường tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp, chủ đầu tư các khu công nghiệp, các ngành, địa phương để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đất đai, xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường và các vướng mắc khác ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư mới.
Chỉ đạo thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn, hoàn thuế; hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng ngắn hạn và trung hạn.., tạo điều kiện giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì ổn định sản xuất.
Do tình hình khó khăn chung, nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh có chậm lại, một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch nhưng nhìn chung, các ngành sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và khá ổn định so với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Về tăng trưởng kinh tế, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách đã ban hành, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã từng bước được phục hồi, quí I tăng 4,9%, 6 tháng tăng 7,1%, 9 tháng tăng 8,6% và ước thực hiện cả năm 2009 tăng 10,3% (kế hoạch: tăng 13%). Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong GDP, tỷ lệ công nghiệp - xây dựng giảm còn 62,3% , dịch vụ tăng lên 32,4% và nông lâm nghiệp giảm còn 5,3%(năm 2008 là 64,8% - 29,7% - 5,5%; kế hoạch năm 2009 là 64,9% - 30,3% - 4,8%). GDP bình quân đầu người ước đạt 21,5 triệu đồng, tính theo dân số tổng điều tra 1/4/2009 - 1.482.636 người (kế hoạch là 26,8 triệu đồng)
1. Sản xuất công nghiệp:
Tốc độ tăng trưởng ngày càng nâng cao (quí 1: tăng 4%, 6 tháng: tăng 6,3%, 9 tháng: tăng 7,8%); ước giá trị sản xuất công nghiệp cả năm đạt 87.727 tỷ đồng, tăng 10,1 % so với năm 2008 (năm 2008 tăng 21,5%, kế hoạch là tăng 19,5%), trong đó, các doanh nghiệp trong nước đạt 27.917 tỉ đồng, tăng 12,2%; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 59.810 tỉ đồng, chiếm 68,2% và tăng 9,2%. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực và đang được khôi phục; từ giữa năm 2009 nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng mới đến hết năm, sản xuất tăng khá, nhất là các ngành chế biến thực phẩm, may mặc, sản xuất sản phẩm từ gỗ,….; bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động ổn định, đã có thêm 166 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, gồm 70 doanh nghiệp trong nước và 96 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp đã được thành lập (8.979 ha), trong đó 24 khu đã đi vào hoạt động. Tính đến tháng 11/2009, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp đạt trên 1.600 tỷ đồng; vốn đầu tư thu hút thêm đạt 570 triệu đô la Mỹ và 400 tỷ đồng; tổng số lao động làm việc trong các khu công nghiệp là 265 ngàn người, tăng 13.300 lao động so với đầu năm; tổng doanh thu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt 5,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 5% so với cùng kỳ.
Đã hoàn chỉnh đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ; xây dựng đề án định hướng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020; phê duyệt chương trình khuyến công đến năm 2012. Tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình số 35-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp nhanh và bền vững giai đoạn 2006-2010.
Công tác cải tạo và phát triển lưới điện được tập trung thực hiện; đã lắp đặt mới 11.600 điện kế; ước tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99% (kế hoạch là 99%), trong đó vùng nông thôn đạt 98,9%; sản lượng điện thương phẩm đạt 4 tỷ 565 triệu Kwh tăng 10% so với năm 2008.
2. Thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu:
Thực hiện các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ; Chương trình xúc tiến thương mại, giảm giá, khuyến mại; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu công nghiệp; Tuần lễ hàng Việt Nam,…đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trong tỉnh, góp phần hổ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nâng cao nhận thức về tổ chức khai thác thị trường trong nước.
Mạng lưới cơ sở hạ tầng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị,…được đầu tư mở rộng tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá. Đã đưa vào sử dụng mới 5 chợ, đang triển khai xây dựng siêu thị Sài Gòn Co.op Mart và một số chợ, trung tâm thương mại. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 33.290 tỷ đồng, tăng 26,4% so với năm 2008; trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 36,5%; kinh tế dân doanh tăng 27,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%.
Đã phê duyệt Đề án Xúc tiến thương mại đến năm 2010. Chỉ đạo xây dựng kênh phân phối các mặt hàng thiết yếu với hơn 1.600 doanh nghiệp, đại lý, cơ sở bán lẻ tham gia. Tăng cường kiểm soát thị trường chống gian lận thương mại, kiểm soát chất lượng hàng hoá và vệ sinh an toàn thực phẩm; đã kiểm tra 5.247 trường hợp, xử lý 1.810 vụ vi phạm, thu nộp Ngân sách 1,8 tỷ đồng.
Giá cả thị trường nội tỉnh trong năm tương đối ổn định; chỉ số giá tiêu dùngtăng 6,85% so với tháng 12/2008. Giá vàng, giá đô la Mỹ luôn biến động, ước cả năm, giá vàng tăng 42,67%, giá đô la Mỹ tăng 6,5% so với tháng 12/2008.
Về du lịch, ước doanh thu đạt gấp 1,8 lần, số lượt khách đạt gấp 3,5 lần so với năm 2008.
Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 36 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, 04 doanh nghiệp Taxi, 21 tuyến xe buýt đang hoạt động. Ước tổng doanh thu dịch vụ vận tải tăng 28,3% so với năm 2008, trong đó: vận tải hàng hoá tăng 28,5%, vận tải hành khách tăng 25,8%.
Đã phát triển mới 1.565.975 thuê bao điện thoại, bao gồm: 23.484 thuê bao điện thoại cố định (đạt 15 thuê bao/100 dân), 17.719 thuê bao di động trả sau (đạt 6 thuê bao/100 dân), trên 1,5 triệu thuê bao điện thoại di động trả trước (đạt 197 thuê bao/100 dân, tuy nhiên số thuê bao ảo là rất lớn), 17.856 thuê bao Internet băng thông rộng(đạt 3,34 thuê bao/100 dân)
Xuất khẩu: Trong điều kiện khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nước Châu Á, ràng buộc bởi những quy định mới, khắt khe đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày,… xuất khẩu của tỉnh vẫn tiếp tục ổn định và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 1.231 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp vào 86 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là thị trường Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ; trong đó có 64 doanh nghiệp mới xuất khẩu lần đầu. Ước kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ 993 triệu đô la Mỹ, tăng 5,8% so với năm 2008 (năm 2008: tăng 22%, kế hoạch là tăng 20,9%), trong đó, các doanh nghiệp trong nước đạt 1 tỷ 799 triệu đô la Mỹ, tăng 9,2%; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 5 tỷ 194 triệu đô la Mỹ (chiếm 74,3%), tăng 4,7%; tốc độ tăng đạt thấp chủ yếu là do thị trường bị thu hẹp và giá xuất khẩu giảm (như: hạt điều nhân, mủ cao su tuy sản lượng tăng từ 23% đến 44% nhưng kim ngạch giảm 6,6% và 35,9%).
Nhập khẩu: Ước kim ngạch nhập khẩu đạt 5 tỷ 735 triệu đô la Mỹ, giảm 7,8% so với năm 2008 (năm 2008 tăng 25,8%); trong đó, các doanh nghiệp trong nước đạt 1 tỷ 470 triệu đô la Mỹ, tăng 1,1%; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 4 tỷ 265 triệu tỷ đô la Mỹ (chiếm 74,4%), giảm 10,6% so với năm 2008; nguyên nhân chủ yếu là do: nhập vật tư, máy móc thiết bị đầu tư xây dựng các dự án đạt thấp và sản xuất gặp khó khăn nên nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm mạnh (như: thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến giảm 3,6%, thực phẩm chế biến giảm 23,2%, phụ liệu giày dép giảm 14%, sắt thép giảm 0,9%, hàng điện tử giảm 0,6%...).
3. Sản xuất nông - lâm nghiệp:
Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, phát sinh nhiều loại sâu, bệnh trên cây trồng, vật nuôi; giá vật tư, phân bón, nhiên liệu tăng; giá tiêu thụ cao su và một số nông sản chủ lực của tỉnh không ổn định,... Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành và các địa phương chủ động triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, phòng trừ dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh...đã tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định,
Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ước cả năm đạt 2.605,7 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ (năm 2008 tăng 4,8%, kế hoạch là tăng 4 – 4,2%), trong đó: nông nghiệp tăng 4,1%, lâm nghiệp tăng 3,9%, thủy sản tăng 7,9%. Tỷ trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi là 68,4% -27,1% (năm 2008 là 70,3% - 25,5%).
Ước tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 31.346 ha, giảm 3,7% so với cùng kỳ, trong đó: diện tích cây lương thực giảm 2%, rau các loại giảm 0,4%, cây công nghiệp hàng năm giảm 2,3%.... nguyên nhân chủ yếu là do chuyển đổi cơ cấu một số cây trồng hàng năm sản xuất kém hiệu quả và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dân cư đô thị, khu công nghiệp; năng suất lúa tăng 2,6%, bắp tăng 7,5%, đậu phộng tăng 2,1%.... so với cùng kỳ.
Ước tổng diện tích cây lâu năm đạt 138.190 ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ; trong đó: diện tích cây cao su đạt 126.919 ha (chiếm 92%), tăng 2,9%, diện tích cho sản phẩm tăng 2,6%, năng suất tăng 0,6%.
Đã sơ kết 2 năm triển khai thực hiện đề án nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2007-2010; phê duyệt đề án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái - huyện Phú Giáo và xã Hiếu Liêm – huyện Tân Uyên.
Chăn nuôi, tiếp tục ổn định và phát triển nhờ được sự quan tâm hỗ trợ về giống, kỹ thuật; công tác phòng chống dịch bệnh được tổ chức thực hiện tốt, tiêm phòng thực hiện đạt kế hoạch, kiểm soát được dịch bệnh, không có dịch xảy ra trên địa bàn và giá sản phẩm tiêu thụ tăng khá. Ước đến 01/10/2009, đàn bò giảm 8,8%; heo tăng 8,8%, gia cầm tăng 22,6% so cùng kỳ.
Đã triển khai rà soát thực trạng các xã theo tiêu chí chí nông thôn mới của trung ương, xây dựng tiêu chí nông thôn mới của tỉnh.
Về lâm nghiệp, chủ yếu tập trung quản lý, bảo vệ và trồng cây gây rừng; Diện tích rừng được chăm sóc, bảo vệ tăng 0,9%; trồng cây phân tán tăng 1,7% so cùng kỳ. Tỷ lệ che phủ rừng, cây lâm nghiệp, cây lâu năm đạt: 56%. Tăng cường quản lý, rà soát, đổi và gia hạn giấy đăng ký chứng nhận trại nuôi động vật hoang dã cho các tổ chức, cá nhân.
Tập trung chỉ đạo phòng chống lụt bão, theo dõi sát tình hình xả lũ tại các hồ, tiêu thoát nước vùng hạ lưu các sông, khu, cụm công nghiệp, khu đô thị,…Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các cấp đã hỗ trợ nhân dân giải quyết, khắc phục kịp thời ảnh hưởng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn,.. xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Giao thông nông thôn: đã triển khai 464 công trình với tổng chiều dài hơn 271 km và vốn đầu tư thực hiện khoảng 224 tỷ đồng, góp phần tạo ra hệ thống giao thông thông suốt trên toàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia nước nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm đầu tư, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch ước đạt 93% (kế hoạch là 93%).
4. Quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường:
Đã điều chỉnh và công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2006-2010, quy hoạch họat động khoáng sản đến năm 2010. Chỉ đạo rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các Luật và Nghị định về lĩnh vực tài nguyên – môi trường trên địa bàn theo phân cấp. Tập trung tổ chức thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Chỉ đạo triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo mẩu mới. Đến nay, diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 93,59% diện tích cần cấp, trong đó: hộ gia đình và cá nhân đạt 96,68%, đất nông nghiệp của tổ chức đạt 93,77%, đất cơ sơ tôn giáo đạt 90,12%
Tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường và tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình số 42/CTr-TU của tỉnh ủy về bảo vệ môi trường giai đoạn 2007-2010. Công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh, tăng gấp 2 lần so với năm trước. Chỉ đạo thu hồi chủ trương đầu tư, vận động chuyển đổi ngành nghề đối với các dự án dệt, nhuộm trong khu công nghiệp Việt Hương 2 và Đất Cuốc; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải các khu công nghiệp; khảo sát, chuẩn bị đầu tư các tuyến thoát nước ngoài hàng rào khu công nghiệp. Kiểm tra, xử lý việc khai thác cát lậu và nuôi cá bè trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Phối hợp chặt chẻ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai thực hiện các giải pháp cải tạo kênh Ba Bò. Chỉ đạo hạn chế việc khai thác nước dưới đất tại những khu vực đã có mạng lưới cấp nước mặt, hạn chế cấp phép mới đối với hoạt động khai thác khóang sản. Ước tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom xử lý đạt 80,1% (kế hoạch là 80%).
5. Ngân sách, tín dụng:
a) Ngân sách: Ước thu mới ngân sách là 12.770 tỷ đồng đạt 116% dự toán Hội đồng nhân dân thông qua, tăng 10% so với năm 2008, trong đó: thu nội địa là 9.270 tỷ đồng, đạt 113%, tăng 13%; thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu 3.500 tỷ đồng, đạt 125%, tăng 2% so với năm 2008. Chi ngân sách địa phương ước đạt 5.500 tỷ đồng, đạt 94% dự toán Hội đồng nhân dân, tăng 52% so với năm 2008, trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm 45%, đạt 102% và gấp 2,25 lần năm 2008. Nhìn chung, thu chi ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán trung ương giao và Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực; tăng chi đầu tư phát triển và chi phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo nhu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ quốc phòng - an ninh theo dự toán của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh giao; đồng thời, đã giải quyết kịp thời các nhu cầu chi phát sinh bức xúc như: tăng cường thực hiện an sinh xã hội, phòng chống các loại dịch bệnh, tiếp tục cải cách tiền lương....
b) Tín dụng: Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng và phát triển mạnh đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển ngành dịch vụ chung của tỉnh. Tổng nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng ước đạt 34.054 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ; trong đó: vốn huy động tại địa phương là 32.189 tỷ đồng, chiếm 94% tổng nguồn vốn, tăng 47% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ ước đạt 35.282 tỷ, tăng 23% so với đầu năm và tăng 28,9% so với cùng kỳ, trong đó dư nợ vay ngắn hạn chiếm 50,8%, dư nợ vay trung và dài hạn chiếm 49,2%.
Quỹ đầu tư phát triển tỉnh: đã cho vay 219,9 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch năm, trong đó: vay trung và dài hạn chiếm 85%, vay ngắn hạn chiếm 15%.
c) Thực hiện chính sách tài chính - tín dụng theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ (Tính đến tháng 11/2009)
Đã giảm, gia hạn, hoàn, giãn thuế 1.884 tỷ đồng cho hơn 6 ngàn doanh nghiệp, cá nhân (gồm: giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp 125,5 tỷ đồng, gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 258 tỷ đồng; giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng một số hàng hoá, dịch vụ 1.097 tỷ đồng; giãn, hoàn thuế thu nhập cá nhân số tiền 365,5 tỷ đồng). Đã hỗ trợ lãi suất vay vốn 15.240 tỷ đồng cho 3.770 doanh nghiệp, cá nhân (kế hoạch là 17.000 tỷ đồng). Đây chính là nguồn lực quan trọng Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.
6. Đầu tư phát triển:
a) Về đầu tư xây dựng cơ bản:
Ban Chỉ đạo Xây dựng cơ bản của tỉnh tổ chức họp định kỳ để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cùng các ngành liên tục làm việc tại các huyện, thị xã để hỗ trợ các địa phương giải quyết kịp thời về vốn thanh toán; tháo gở các vướng mắc về phân cấp nhiệm vụ đầu tư và xây dựng; chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải toả, bồi thường và thi công các công trình đầu tư xây dựng cơ bản…nhìn chung đến nay, tiến độ đầu tư, giải ngân các công trình thực hiện đạt khá, nhiều công trình ở huyện, thị xã phải sử dụng vốn tạm ứng 2010. Ước giá trị cấp phát cả năm là 2.500 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng 125% so với năm 2008 (kế hoạch là tăng 67%); trong đó: vốn tỉnh quản lý đã cấp phát 1.403 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch; vốn huyện, thị xã quản lý đã cấp phát 1.097 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch.
Khởi công xây dựng một số dự án lớn như: đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Cổng chào Bình Dương, đường ĐT744 đoạn cầu Ông Cộ đến Km12, cầu An Linh – An Long, hạng mục các tượng đài thuộc khu di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt. Cầu Thủ Biên và cầu Bạch Đằng dự kiến sẽ hoàn thành tổng thể trước 30/4/2010; cầu Thạnh Hội đã thông xe kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong năm. Đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhà máy cấp nước Nam Bình Dương và nhà máy xử lý nước rỉ rác thuộc khu liên hợp xử lý chất thải rắn của tỉnh góp phần đáp ứng nhu cầu nước sạch và cải thiện môi trường. Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung tỉnh đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất quy mô đầu tư, đang tiến hành tuyển chọn phương án kiến trúc. Đường vào Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung đã được thống nhất phương án tuyến và quy mô đầu tư.
Công tác quy họach được quan tâm chỉ đạo, đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Dĩ An, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị Đông Nam và Tây Nam Bến Cát; đã ký hợp đồng thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Thủ Dầu Một và đô thị Bình Dương.
Ban hành các chỉ thị về việc chấn chỉnh và tăng cường quản lý công tác đầu tư xây dựng; về quản lý đầu tư xây dựng kinh doanh khu nhà ở, khu đô thị mới; về công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Sở Xây dựng lập kế hoạch đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại các khu đô thị; triển khai đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội ở thị xã Thủ Dầu Một và huyện Thuận An bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; hướng dẫn các doanh nghiệp lập thủ tục, triển khai các dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương. Diện tích nhà ở bình quân đầu người ước đạt 14,72m2 (kế hoạch 14,67m2)
b) Thu hút đầu tư ( tính đến tháng 11/2009):
Đầu tư trong nước: vốn đăng ký kinh doanh tăng thêm 8.675 tỷ đồng (bằng 70% cùng kỳ), gồm: 1.568 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới - vốn đăng ký 4.992 tỷ đồng và 436 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn - vốn đăng ký bổ sung 3.736 tỷ đồng. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 8.348 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 54.538 tỷ đồng.
Đầu tư nước ngoài: vốn đầu tư tăng thêm 2 tỷ 468 triệu đô la Mỹ (kế hoạch: trên 1 tỉ đô la Mỹ); gồm: 99 dự án đầu tư mới - vốn đầu tư 2 tỷ 022 triệu đô la Mỹ (trong đó, dự án khu nhà ở thương mại, nhà ở xã hội Phú Hưng Long có vốn đầu tư là 1,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 84%) và 125 lượt dự án bổ sung vốn - vốn đầu tư bổ sung là 446 triệu đô la Mỹ. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 1.850 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư là 12 tỷ 934 triệu đô la Mỹ.
c) Về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước: đang thực hiện chuyển đổi Nông trường Cây trường thành Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Cao su Bình Dương, Lâm trường Phú Bình thành Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Lâm nghiệp Bình Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiến nghị Chính phủ về việc xin chuyển đổi 03 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp Đảng thành các tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do cấp tỉnh trực tiếp quản lý.
II. Vềbảođảm an sinh xã hộivà phát triển các lĩnh vực xã hội:
1.Về bảo đảm an sinh xã hội:
Song song với phát triển kinh tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước kịp thời, đúng đối tượng nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và và giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Hoạt động chăm sóc người có công và các đối tượng chính sách, chăm sóc bảo vệ trẻ em được tiếp tục được duy trì và mở rộng. Đã trích ngân sách và vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác tiếp xúc, thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp cho các đối tượng chính sách, các đối tượng xã hội. Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách: bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo lại cho người lao động, điều chỉnh chế độ trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng và nâng mức hỗ trợ bảo trợ xã hội, thực hiện chính sách tiền lương mới,…. Tổ chức khảo sát tình hình để tập trung giải quyết dứt điểm nhà dột nát và lập kế hoạch, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết xuống cấp….
Đã xây dựng và bàn giao 36 căn, sửa chữa 06 căn nhà tình nghĩa và tặng 109 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách. Xây dựng 183 căn nhà đại đoàn kết, cấp 62.000 thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho trên 5.000 lượt người nghèo và trao tặng nhiều học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Hỗ trợ phẫu thuật tim cho 91 em; cấp mới 14.500 thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, nâng tổng số trẻ em dưới 6 tuổi toàn tỉnh đã được cấp thẻ lên 154.500 em.
Hoàn thành việc điều tra, khảo sát, thống kê hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới của tỉnh (780.000 đồng/người/tháng – thành thị, 600.000 đồng /người/tháng – nông thôn), kết quả có 11.441 hộ nghèo, chiếm 5,53%; qua việc triển khai đồng bộ , có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, ước cuối năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo là 3,53%, giảm 2% so với đầu năm (kế hoạch là giảm 2-2,5%).
Do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế, lũy kế đến tháng 11/2009, toàn tỉnh có 166 doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có 08 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, đến nay 89 doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất và tuyển dụng lao động. Lũy kế có trên 13.000 lao động mất việc và khoảng 2.000 lao động thiếu việc làm, tỉnh đã tích cực thực hiện các giải pháp điều hòa lao động, giới thiệu việc làm và đến nay hầu hết đã tìm được việc làm mới. Qua thực hiện Chương trình liên kết lao động, tổ chức 09 phiên giao dịch việc làm và hoạt động giới thiệu việc làm cho thấy hiện nay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Uỷ ban nhân dân tỉnh thường xuyên tiếp xúc với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng pháp luật.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ước đạt 54,82%, trong đó có 48,12% lao động qua đào tạo nghề (kế hoạch là 55%).
Xảy ra 41 vụ tranh chấp lao động với 10.595 lao động tham gia, 30 vụ đình công với khoảng 19.000 lao động tham gia, giảm 71% so với năm 2008; số vụ xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 88%.
Tổ chức tuần lễ Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ XI năm 2009 và Tuần lễ thanh niên công nhân lần thứ II năm 2009 với nhiều hoạt động phong phú. Thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ ở 120 doanh nghiệp, 10 cơ sở dạy nghề,...; đã xử phạt hành chính 44 doanh nghiệp, cơ sở.
2. Giáo dục – Đào tạo:
Tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học;triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Hai không”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”,..
Năm học 2008-2009, chất lượng học sinh có chuyển biến tích cực so với năm học trước, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tăng 0,15%; cấp trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm 1,5%, tỷ lệ khá giỏi tăng 2,6%; cấp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm 2%, tỷ lệ khá giỏi tăng 3,3%. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học được tổ chức an toàn, nghiêm túc; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông tăng 14,8%, bổ túc trung học tăng 5,1%.
Năm học 2009-2010, toàn ngành có 368 đơn vị, trường học với 214.535 học sinh, tăng 9.950 học sinh so với năm học trước; chủ yếu tăng đột biến ở ngành học mầm non và cấp tiểu học do lượng dân nhập cư tăng nhanh.
Cơ sở vật chất trường lớp được tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung đầu tư; đến nay tòan tỉnh có 100% trường được xây kiên cố, 39,81% trường công lập của tỉnh được lầu hóá và 30,3% trường đạt chuẩn quốc gia.
Giáo dục đại học, chuyên nghiệp ngày càng phát triển. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 trường đại học, 7 trường cao đẳng và 12 trường trung cấp chuyên nghiệp. Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tuyển sinh năm học 2009-2010. Trường Đại học Quốc tế Miền Đông đã được khởi công xây dựng giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành và tuyển sinh vào năm học 2010-2011…
Đã phê duyệt quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đến năm 2020.
3. Chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh như: Cúm A(H1N1), bệnh sốt xuất huyết... Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế, các đơn vị y tế tuyến huyện/thị, xã, phường, thị trấn từng bước đã đi vào hoạt động ổn định; hiện có 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ, nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi phục vụ; 100% khu, ấp có nhân viên y tế cộng đồng; 88/89 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 98,87%. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế thực hiện đạt khá so với kế hoạch năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi đạt 14,5% (kế hoạch là 15,1%); tỷ lệ giảm sinh đạt 0,6%o, đảm bảo duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc. Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng 150,82% so với năm 2008, trong đó bảo hiểm y tế bắt buộc tăng 153,31%, bảo hiểm y tế tự nguyện tăng 143,3%.
Thực hiện tốt việc đào tạo nguồn nhân lực, xã hội hóa ngành y tế đã góp phần phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Đã tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được, tuy nhiên số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vẫn còn cao, đã xảy ra 09 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 04 vụ so với cùng kỳ, 251 người mắc, không có tử vong.
4. Thông tin, truyền thông - Khoa học, công nghệ:
Đảm bảo nội dung tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, nâng cao chất lượng và thời lượng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hệ thống thư điện tử binhduong.gov.vn đã được triển khai cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Đã chấp thuận chủ trương triển khai truyền hình cáp ở huyện Tân Uyên và Phú Giáo; đầu tư hệ thống truyền dẫn tín hiệu phát thanh và truyền hình Bình Dương lên vệ tinh Vinasat từ năm 2010.
Công tác quản lý nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ, đã ký hợp đồng thực hiện 34/36 đề tài, dự án (đạt 95%); đến nay nghiệm thu được 16 đề tài, dự án. Đã hỗ trợ kinh phí cho 69 đơn vị đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án xây dựng TCVN ISO 9001:2000 trong các cơ quan hành chính công, đã có 42 cơ quan, đơn vị được cấp giấy chứng nhận và 21 đơn vị đang triển khai áp dụng.
5. Văn hoá, thể thao và du lịch:
Tập trung tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá nhân các ngày lễ, kỷ niệm góp phần giáo dục truyền thống, tạomôi trường văn hoá xã hội lành mạnh gắn với cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm phong trào xây dựng khu phố, ấp văn hoá (1998-2008) và tuyên dương khu phố, ấp văn hoá tiêu biểu năm 2009. Đã công nhận thêm 07 di tích cấp tỉnh, đề nghị trung ương công nhận 3 di tích cấp quốc gia. Tăng cường kiểm tra, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội; đã tổ chức 408 đợt thanh kiểm tra tại 1.196 cơ sở, phát hiện và xử lý 563 cơ sở vi phạm.
Thể dục thể thao tiếp tục phát triển; đã đạt được những thành tích cao tại các giải quốc gia và quốc tế, đội bóng đá Becamex Bình Dương lọt vào vòng chung kết cúp C2 Châu Á; đội bóng chuyền nam tỉnh đoạt vô địch giải bóng chuyền A1 toàn quốc, thăng hạng lên đội mạnh vào năm 2010. Đã phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2020.
Hoạt động du lịch có bước phát triển nhanh, hạ tầng một số dự án, khu du lịch lớn được quan tâm đầu tư đưa vào sử dụng bước đầu đã tăng sức hấp dẫn, thu hút du khách đến tỉnh tham quan du lịch.
III. Về nội chính:
1. Cải cách hành chính:
Tập trung rà soát, đẩy mạnh công tác cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, 100% các sở ngành, huyện thị và xã, phường, thị trấn đã công bố bộ thủ tục hành chính với 1.880 thủ tục thuộc phạm vi quản lý của địa phương, kết thúc giai đoạn 1 Bình Dương được đánh giá là tỉnh thực hiện có chất lượng.
Tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 - Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010: triển khai thực hiện quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn; thí điểm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo mô hình Tổ nghiệp vụ hành chính công tại Ủy ban nhân dân huyện Bến Cát; đã phê duyệt đề án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của Sở Nội vụ và Sở Tài nguyên – Môi trường.
2. Công tác tư pháp:
Đẩy mạnh thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật; củng cố tổ chức Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong năm đã tổ chức được 22.000 buổi tuyên truyền với hơn 1,5 triệu lượt người tham dự, 179 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với hơn 15 ngàn người tham dự,…
Tiếp tục chỉ đạo tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Đã thụ lý 730 vụ, việc; trong đó, đủ điều kiện thi hành là 495 vụ, việc; đã thi hành xong 397 vụ (54%) với số tiền thi hành là 129 tỷ đồng.
Các câu lạc bộ và tổ trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho gần 3.500 trường hợp; trong đó cử luật sư tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bào chữa cho 38 vụ. Các hội đồng, tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 3.971 đơn khiếu nại, thực hiện hoà giải 3.950 đơn, hoà giải thành 3.017 vụ đạt 77%.
Đã chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch thực hiện quyền của người sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc địa bàn các huyện Thuận An, Dĩ An và thị xã Thủ Dầu Một cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
3. Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo - Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Thực hiện xử lý kết luận sau thanh tra theo kết quả thanh tra trong năm 2008; triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ về Công ty Sobexco và Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.
Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 62/CTr-TU ngày 11/4/2008 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1073/KH-UBND ngày 24/4/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là những nơi có vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; vận động quần chúng nhân dân ý thức chấp hành pháp luật.
Đã tiếp 5.556 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị; trong đó, tiếp công dân định kỳ 1.764 lượt. Các vụ khiếu nại phức tạp, đông người là các hộ dân khiếu nại liên quan đến việc bồi thường giải tỏa dự án khu biệt thự Phú Thịnh, dự án Công ty Cao su miền Nam, dự án thủy lợi Phước Hòa, dự án Khu dân cư Thương mại Bình Chuẩn, Trung tâm Thương mại Becamex, kiốt khu chợ huyện Dầu Tiếng… Đã tiếp nhận 1.766 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đã giải quyết 1.198/1.294 đơn thuộc thẩm quyền (đạt 92,6%).
Tổ chức 209 cuộc thanh, kiểm tra kinh tế xã hội ở 2.029 đơn vị, cá nhân, hộ kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động thanh tra chuyên ngành. Qua thanh, kiểm tra phát hiện 1.432 trường hợp sai phạm, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách gần 26 tỷ đồng.
Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; bước đầu đã nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nêu cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
4. Quốc phòng - an ninh:
Tập trung chỉ đạo xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang; đảm bảo duy trì nghiêm nề nếp, chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, thông tin liên lạc thông suốt. Xây dựng phương án bảo vệ các mục tiêu, các ngày lễ lớn trong năm; phối hợp bám sát tình hình và giải quyết kịp thời có hiệu quả các tình huống, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng theo qui định. Công tác tuyển chọn gọi thanh niên nhập ngũ năm 2009 đạt chỉ tiêu số lượng và chất lượng.
An ninh chính trị được giữ vững, không xảy ra tình huống phức tạp, đột xuất bất ngờ. Thực hiện tốt việc nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người. Trật tự xã hội ổn định, tăng cường công tác tuần tra, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, điều tra chuyên án …đã xóa một số tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự ở địa bàn giáp ranh. Phong trào nhân dân tự quản về phòng, chống tội phạm, ma túy; mô hình tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở được củng cố, phát huy hiệu quả. Đẩy mạnh tuần tra và xử lý vi phạm về an toàn giao thông đã có tác dụng kiềm chế số vụ tai nạn giao thông, trật tự đô thị từng bước có tiến bộ.
Xảy ra 1.068 vụ tội phạm về trật tự xã hội (giảm 362 vụ), điều tra khám phá 779 vụ (đạt 73%); 204 vụ tội phạm ma tuý (tăng 19 vụ); 389 vụ tai nạn giao thông (giảm 1 vụ), chết 386 người (giảm 17 người), bị thương 279 người (giảm 63 người)và 43 vụ cháy (giảm 8vụ), thiệt hại khoảng 84 tỷ đồng.
5. Hoạt động đối ngoại:
Thực hiện nhiều chương trình hợp tác kết nghĩa, trao đổi giao lưu văn hóa giữa tỉnh Bình Dương với các tỉnh, viện nghiên cứu, tổ chức ở các nước Lào, Hàn Quốc, Hoa kỳ. Đã cho phép 292 đoàn với 821 lượt cán bộ đi công tác nước ngoài với mục đích xúc tiến thương mại, học tập kinh nghiệp; trong đó, các đoàn đi đến các nước khối Asean và Trung Quốc chiếm trên 60% tổng số đoàn. Cho phép 69 đoàn khách nước ngoài đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh. Đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức thành công hội thảo thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ tại tỉnh; ngoài ra tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác thương mại, xúc tiến đầu tư ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
6. Về tổ chức bộ máy; Thi đua - khen thưởng:
Rà soát, sửa đổi quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của các sở, ngành theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; hướng dẫncác huyện, thị xã hoàn chỉnh Quy định về chức năng, nhiệm vu, cơ cấu tổ chức của các phòng chuyên môn.Tổ chức xét tuyển viên chức sự nghiệp, thi tuyển công chức, công chức dự bị và công chức cấp xã. Tinh giản biên chế theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ, đợt I/2009 đã giải quyết nghỉ việc 31 trường hợp.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2009/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành lập 2 phường Hòa Phú, Phú Tân và thị trấn Thái Hòa, đảmbảo các điều kiện đi vào hoạt động chính thức vào ngày 01/01/2010. Tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục trình Trung ương công nhận các huyện Thuận An, Dĩ An là đô thị loại IV và thành lập thị xã Thuận An, Dĩ An theo kế họach..
Tổ chức phát động các đợt thi đua lớn chào mừng ngày thành lập Đảng, ngày giải phóng miền Nam, chào mừng Quốc khánh,...Chỉ thị phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh tiến tới Đại hội thi đua tòan quốc lần VIII. Quyết định công nhận 198 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, tặng 208 danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, 31 cờ thi đua, 2.659 bằng khen cho tập thể và cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao. Trình Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng: 02 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 186 Huân Huy chương và bằng khen.
Đánh giá chung: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực so với đầu năm 2009, từng bước vượt qua suy giảm và phục hồi tốc độ tăng trưởng. Kết quả đạt được đã khẳng định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2009 của tỉnh là đúng đắn và có hiệu quả. Sản xuất công nghiệp quý sau tăng cao hơn quý trước; nông nghiệp phát triển ổn định; các lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng tăng khá. Các thủ tục hành chính và môi trường thu hút đầu tư tiếp tục được cải thiện, huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây ựng cơ bản có tiến bộ. Công tác quản lý điều hành chi đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo dự toán được giao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo; hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi; các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển văn hóa xã hội tiếp tục được duy trì thực hiện và có kết quả; an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được quan tâm. Chính trị xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, cần nghiêm túc nhận rõ những hạn chế, yếu kém nổi lên là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt thấp nhất so với các năm qua và không đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế còn thấp. Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xuất - nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư, .. vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện đạt thấp so với kế hoạch; là khó khăn, thách thức lớn đối với việc thực hiện mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, ổn định đời sống dân cư trong năm 2010.
- Trong đầu tư xây dựng cơ bản: nhiều dự án còn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; việc lập quy hoạch, dự án, thiết kế dự toán một số công trình còn chậm còn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công năm 2009.
- Tiến độ xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch còn chậm so với yêu cầu đề ra; thiếu đồng bộ giữa qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội - qui hoạch sử dụng đất - qui hoạch xây dựng; chất lượng và tính khả thi còn chưa cao. Kiểm tra xử lý sau quy hoạch, nhất là sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập.
- Năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và đô thị được quan tâm chỉ đạo song chuyển biến còn chậm; nhiều dự án khu dân cư, đô thị mới triển khai còn kéo dài . Hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải,… tuy được quan tâm đầu tư song nhìn tổng thể vẫn còn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Số lượng doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm bảo vệ môi trường ngày càng tăng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập trước khi Luật bảo vệ môi trường sửa đổi bổ sung (2005).
- Theo tổng điều tra dân số 1/4/2009 toàn tỉnh có 1.482.636 người, tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm gấp 2,25 lần so với mức tăng chung của vùng Đông Nam Bộ và cao nhất nước; chủ yếu là do gia tăng cơ học rất lớn. Đây là thách thức rất lớn về giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện hầu hết các chỉ tiêu bình quân đầu người của tỉnh đã đề ra.
- Nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh có chuyển biến nhưng còn chậm. Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, cúm A H1N1 còn diễn biến phức tạp. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm còn cao. Đời sống nhân dân nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo vẫn cònnhững khó khăn nhất định.
- Trật tự an toàn xã hội có mặt chưa tốt. Khiếu kiện đông người, kéo dài đã tập trung giải quyết có giảm về số vụ nhưng khiếu kiện đông người tăng, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra điểm nóng cao. Tình hình phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố tác động bất lợi, cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.
- Năng lực tổ chức thực hiện và tính chủ động tham mưu, phối hợp thực hiện nhiệm vụ và hiệu quả giải quyết công việc ở các sở, ngành, địa phương chưa cao./.