Từ cuối năm 2008, đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở Cà Mau dự kiến cắt giảm từ 4 đến 5 nghìn công nhân. Vậy mà ngành chế biến thủy sản của tỉnh này, với 20 nghìn công nhân, đến nay chưa có người nào mất việc làm. Giải pháp nào đã giúp các doanh nghiệp chế biến thủy sản tiếp tục trụ vững, tiếp tục sản xuất và kinh doanh?
Chúng tôi đến Nhà máy chế biến thủy sản Minh Phát, thuộc Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Minh Phú vào giờ đổi ca sản xuất giữa trưa. Anh Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc điều hành nhà máy, cho biết: Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là nguyên liệu đang thiếu hụt trầm trọng, thế nhưng cho đến thời điểm này, công ty vẫn chưa cắt giảm bất kỳ một lao động nào. Hơn 1.500 công nhân ở đây đã và đang làm việc bình thường. Chị Bùi Thị Kim Dung, Tổ trưởng tổ sản xuất số 2, cho biết: Tổ sản xuất của chị có 700 công nhân, chủ yếu làm hàng chất lượng cao như tôm tẩm bột, tôm susi... Ðây là mặt hàng phải trải qua nhiều công đoạn xử lý nghiêm ngặt, tốn nhiều thời gian, đòi hỏi tay nghề cao của công nhân.
Tại tổ sản xuất tôm tẩm bột, công nhân Ðoàn Thị Kim Ngân, chia sẻ: Gần đây do thiếu hụt nguyên liệu, công ty chủ trương nhập tôm nguyên liệu để giải quyết việc làm cho công nhân. Hầu hết công nhân phải chuyển sang làm các mặt hàng tôm nguyên liệu loại nhỏ, cần nhiều thời gian, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất hơn so với trước đây. Việc thiếu hụt nguyên liệu từng lúc buộc phải giảm giờ, giảm ca làm việc là việc bình thường trong lúc khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay công ty vẫn tiếp tục duy trì sản xuất để vượt qua khó khăn, bảo đảm việc làm, thực hiện đầy đủ các chế độ, thu nhập và ổn định đời sống của công nhân; chưa có một người nào phải nghỉ việc. Ðiều này làm cho công nhân phấn khởi, tin tưởng và gắn bó hơn với công ty.
Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy hải sản Minh Phú Chu Văn An, cho biết: Ngoài ba nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Cà Mau, công ty còn mở rộng nuôi tôm công nghiệp, sản xuất con giống, chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Kiên Giang và Ninh Thuận. Vượt lên nhiều khó khăn tác động đến doanh nghiệp, năm 2008, Minh Phú vẫn trụ vững, đạt sản lượng chế biến hơn 14,5 nghìn tấn tôm thành phẩm; kim ngạch xuất khẩu đạt 156 triệu USD. Tuy nhiên, khó khăn bao trùm hiện nay là do suy thoái kinh tế thế giới kéo dài; từ đó làm cho sức mua và tiêu thụ sản phẩm tôm giảm sút. Giá tôm xuất khẩu giảm hơn 20%; trong khi đó phần lớn người nuôi tôm tại Cà Mau thường xuyên bị thất bát mùa vụ thu hoạch tôm nuôi, nhiều ao đầm nuôi tôm công nghiệp do chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến "treo ao"... càng làm cho thiếu hụt tôm nguyên liệu trầm trọng hơn. Công nhân thiếu việc làm, các nhà máy của công ty chỉ sản xuất 20-30% công suất. Trong hai tháng đầu năm 2009, Công ty Minh Phú chế biến hơn 1,2 nghìn tấn thành phẩm, giảm hơn ba lần so với cùng thời điểm này năm 2008.
Theo Giám đốc Chu Văn An, công ty hiện có bốn nghìn lao động, phần lớn được đào tạo, nâng bậc và có tay nghề cao, gắn bó nhiều năm, góp phần rất lớn vào sự phát triển, "ăn nên làm ra" của công ty. Do đó, bằng mọi cách để "giữ chân" người lao động; công ty phải tiết kiệm tối đa các chi phí không cần thiết để giảm giá thành sản phẩm; duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu.
Các giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu mà công ty đang triển khai là: Trước mắt nhập khẩu tôm nguyên liệu từ các nước trong khu vực; ký hợp đồng với một số tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tại các vùng nuôi tôm tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Thuận... theo phương thức công ty đầu tư con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, hướng dẫn kỹ thuật, sau đó thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường. Cách làm này gần đây đã góp phần đáng kể tăng sản lượng nguyên liệu để sản xuất và giúp người nuôi tôm chủ động hơn về thời gian thu hoạch đạt kích cỡ tôm theo yêu cầu từng thời điểm xuất khẩu và tôm cũng đạt hiệu quả hơn. Về lao động: Duy trì các chế độ đãi ngộ công nhân bữa ăn giữa ca, ở nhà tập thể không tính tiền, trợ cấp khi gia đình có việc hiếu, hỷ, ốm đau bệnh tật. Tuyên truyền, giải thích trong toàn thể cán bộ, công nhân về các khó khăn chung để người lao động hiểu, cảm thông và sẻ chia, tạo sự đồng thuận nhằm vượt khó. Sắp xếp, bố trí sản xuất hợp lý; những tháng ít tôm nguyên liệu, doanh nghiệp bù 20% đơn giá sản phẩm vào tiền lương cho công nhân; đồng thời dùng biện pháp động viên, giảm 10% mức lương đối với cán bộ quản lý trong toàn doanh nghiệp. Gắn với đào tạo, nâng cấp tay nghề số công nhân hiện có, hiện nay, công ty đang tuyển dụng thêm 1.500 công nhân để làm việc trong các dây chuyền sản xuất chuyên sâu mặt hàng mới.
Còn ở Công ty chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Phú Cường, Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Cường cho biết: Cuối năm 2008, công ty dự kiến cắt giảm khoảng 2.000/10.000 công nhân tại 21 công ty thành viên. Tuy nhiên, phương án này đã kịp dừng lại, bởi gần đây công ty chủ trương đẩy mạnh việc nhập khẩu tôm thẻ chân trắng nguyên liệu; tăng cường chế biến cá tra, cá ba sa, mực... để giải quyết việc làm, giữ chân công nhân, nhất là công nhân đã qua đào tạo, có tay nghề cao. Chẳng những không cắt giảm lao động mà hiện nay công ty đang thông báo tuyển dụng thêm bốn nghìn lao động mới nhằm hướng đến mục tiêu tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Trong ba tháng đầu năm nay, công ty dự kiến lỗ khoảng 60 tỷ đồng; khoản lỗ phát sinh này chủ yếu là để bù vào lương, ổn định đời sống cho công nhân. Việc dùng đồng vốn bù lương cho công nhân không thể kéo dài. Vấn đề cốt lõi là coi trọng khâu xúc tiến thương mại, giới thiệu chào hàng thông qua cổng thương mại điện tử, tham gia các hội chợ tìm kiếm, mở rộng thị trường mới; đa dạng hóa các mặt hàng, áp dụng quy định về quản lý chất lượng an toàn về vệ sinh thực phẩm... Cách làm này đã tạo bước chuyển mới, giúp công ty ký được một số hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong năm 2009; trong đó có hợp đồng vừa được ký xong xuất khẩu hàng thủy sản, chủ yếu là cá, sang thị trường mới là nước Nga, trị giá hơn 60 triệu USD.
Không riêng gì các Công ty cổ phần thủy hải sản Minh Phú, Phú Cường, tình hình khó khăn chung đã và đang tiếp tục ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hàng đầu của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, từ trong khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp ở đây đã có bước đi, cách làm riêng để giữ chân người lao động, tiếp tục trụ vững.
Hiện nay, các công ty này đã thông báo tuyển dụng thêm gần năm nghìn lao động để sản xuất, chế biến thêm các mặt hàng thủy sản mới, hàng giá trị gia tăng từ tôm nguyên liệu thẻ chân trắng, tôm sú nhập khẩu, cá, mực... Trong định hướng kinh doanh của mình, các doanh nghiệp dự báo là sẽ xuất khẩu nhiều hơn sản lượng tôm kích cỡ nhỏ và do đó cũng cần rất nhiều công nhân. Việc tuyển dụng thêm công nhân, hầu hết các công ty gắn với các chế độ ưu đãi như hỗ trợ từ 1 đến 1,4 triệu đồng trong ba tháng học việc; 300 nghìn đồng cho sinh hoạt; 7-10 nghìn đồng ăn bữa cơm trưa...
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị với tỉnh xin thêm quỹ đất xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân không mất tiền; tổ chức thêm nhiều dây chuyền sản xuất để công nhân có việc làm thường xuyên và không phải lo mất việc làm. Vượt lên khó khăn, từng doanh nghiệp phát động các phong trào thi đua trong công nhân, áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu thủy sản năm 2009. Ðây chính là mục tiêu lớn mà doanh nghiệp thủy sản Cà Mau hướng đến, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ: Tăng trưởng ổn định, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngọc Quân
Báo Nhân dân điện tử