Ngày 26/2, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 (ASEAN 14) tại Hua Hin, Thái Lan đã khởi động bằng hai cuộc họp song song của các quan chức cao cấp (SOM) và các quan chức cấp Tổng vụ trưởng (DGM), để thảo luận việc chuẩn bị cho các hội nghị cấp bộ trưởng và hội nghị cấp cao ASEAN 14 từ 27/2-1/3.
Tại cuộc họp, các quan chức ASEAN đã tập trung thảo luận ba vấn đề trọng tâm: chương trình làm việc của các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo ASEAN; danh mục các nội dung sẽ đưa ra thảo luận tại hội nghị cấp bộ trưởng; dự thảo các văn kiện sẽ được các nhà lãnh đạo hoặc các bộ trưởng ASEAN ký kết hoặc thông qua.
Các nội dung cụ thể được đưa ra thảo luận gồm Tuyên bố Chaam - Hua Hin về lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), một văn kiện quan trọng nhất và sẽ được những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ các nước ASEAN ký kết; vấn đề thực hiện Hiến chương ASEAN; các vấn đề cấp bách của quốc tế và khu vực ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân ASEAN.
Chiều 26/2, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tổ chức ký kết các hiệp định và thoả thuận ASEAN. Sau đó là các cuộc ăn tối và làm việc không chính thức của các ngoại trưởng, các bộ trưởng kinh tế và các quan chức ASEAN.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tharit Charungvat, với chủ đề "Hiến chương ASEAN vì nhân dân ASEAN", tại hội nghị lần này các nhà lãnh đạo, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế ASEAN dự kiến ký hoặc thông qua 24 tuyên bố, thỏa thuận và thông cáo.
ASEAN 14, chính thức khai mạc vào ngày 28/2, ban đầu được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 12 năm ngoái tại Bangkok, nhưng địa điểm tổ chức sự kiện này đã được chuyển về Chiang Mai sau khi nổ ra làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Bangkok. Tiếp đó, Chính phủ Thái Lan lại quyết định lùi thời gian tổ chức hội nghị đến cuối tháng 2 và chuyển địa điểm đến Hua Hin do cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.
ASEAN hiện có 10 quốc gia thành viên, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Lào, Myanma, và Campuchia./.