Bằng thời gian này năm ngoái, lạm phát là bóng ma ám ảnh ngày đêm với nhiều nền kinh tế, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nhưng vào thời điểm này, sau chỉ một năm, bóng ma đó đã biến mất hoàn toàn nhưng thay thế bằng một bóng ma hoàn toàn trái ngược song nỗi sợ không hề thua kém: bóng ma giảm phát.
Khủng hoảng tạo giảm phát - giảm phát khiến khủng hoảng trầm trọng hơn
Theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Dominique Strauss-Kahn, nguy cơ giảm phát đã lên đến đỉnh điểm trong vòng một thập kỷ qua và điều này chỉ có thể tránh được nếu cuộc khủng hoảng tài chính được giải quyết.
Giảm phát là một hệ quả của suy thoái và càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Giá cả các loại hàng hoá, từ sản phẩm gia dụng cho đến thức ăn và xăng dầu cũng đã giảm sút trong một thời gian dài. Sự giảm giá này không làm cho người tiêu dùng cảm thấy dễ chịu hơn mà trái lại càng làm cho họ cảm thấy lo lắng.
Kịch bản giảm phát có thể sẽ như sau: Các ngân hàng toàn cầu – đã bị mất hàngngàntỷ USD do giảm giá tài sản - đặc biệt là chứng khoán có liên quan đến cầm cố - sẽ tiếp tục giảm luồng tín dụng, kìm hãm tăng trưởng. Điều đó sẽ kéo giá nhà xuống thấp hơn, gây thêm thua lỗ và khiến các ngân hàng càng do dự hơn khi cho vay. Khi khủng hoảng tín dụng trở lên trầm trọng hơn, các doanh nghiệp sẽ thấy rằng không thể tăng giá được nữa.
Như vậy có thể thấy: khủng hoảng tạo giảm phát - giảm phát khiến khủng hoảng trầm trọng hơn. Đó là một cái vòng luẩn quẩn.
“Chúng ta chắc chắn đang lo ngại hơn về giảm phát hơn là lạm phát,” David Owen, kinh tế trưởng khu vực Châu Âu của Tập đoàn Dresdner Kleinwort tại London nói. Các ngân hàng trung ương cần phải giảm lãi suất và giữ chúng một thời gian.
“Thập kỷ mất mát” – bài học về hậu quả giảm phát từ Nhật
Một ví dụ còn mới nguyên về hậu quả khôn lường của giảm phát chính là nền kinh tế lớn Nhật Bản.
Thế giới đã thấm thía thập kỷ mất mát do giảm phát của Nhật Bản mà bị gây ra một phần là do khủng hoảng ngân hàng và nhiều người cho rằng các nhà làm luật đã chờ đợi quá lâu để phản ứng lại với giảm bất động sản và chứng khoán sụt giảm đầu những năm 1990.
Sự thận trọng của các nhà lãnh đạo Nhật Bản - những người đã đợi đến tận năm 1999 trước khi sử dụng tiền đóng thuế của người dân để giải cứu các ngân hàng – đã khiến nền kinh tế của họ phải trả giá đắt. Cho vay giảm mạnh, thất nghiệp gấp hơn 2 lần lên mức 5,5%, và Nhật Bản đã phải trải qua 3 đợt suy thoái kể từ năm 1990 đến 2002. Từ năm 1997 đến 2007, giá tiêu dùng đã giảm 2,2%. Còn tại Mỹ, giá đã tăng 29% trong cùng giai đoạn đó.
Có thể thấy, trong những năm 1990, Nhật Bản đã trải qua cuộc chiến chống giảm phát vô cùng nan giải. Nước Nhật chỉ vừa thoát khỏi cảnh giảm phát để bắt đầu tăng trưởng dương thì nay, bóng ma giảm phát (tăng trưởng âm) lại hiện về.
“Bóng ma giảm phát có thể lại lộ diện trong những tháng tới, lần này không chỉ đe doạ đối với nước Nhật nữa” nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Commerzbank AG tại London, ông Joerg Kraemer nói.