Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng, giai đoạn tới sẽ khởi đầu cho một thời kỳ gắn kết chặt chẽ hơn về quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Myanmar.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghịXúc tiến đầu tư vào Myanmar
|
Tiếp tục chuyến thăm làm việc tại Myanmar, sáng 3/4, Thủ tướngNguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Myanmar.
Hội nghị diễn ra tại trung tâm kinh tế - thương mại lớn nhất Myanmar- thành phố Yangon với sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp hàng đầu hai nước. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia Myanmar cùng phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan hữu quan của hai nước tổ chức
Những tiền đề thúc đẩy sự hợp tác
Phát biểu tạiHội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, không chỉ trên các phương diện ngoại giao, văn hóa mà cả các lĩnh vực thương mại, du lịch, đầu tư...
Trong nhiều năm qua, hai nước đã ký kết và cùng phối hợp triển khai nhiều văn bản pháp lý về hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, đồng thời thiết lập những cơ chế phối hợp cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển của quan hệ hai nước.
Thủ tướng cho rằng, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết nối giữa hai nền kinh tế nhưng quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng. Thương mại hai chiều năm 2007 tăng 19,9% so với năm 2006 và năm 2008 tiếp tục vượt 11% so với năm 2007. Năm 2009 vừa qua vẫn được duy trì không thấp hơn năm 2008.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các cơ quan Chính phủ hai nước và các thỏa thuận, hợp đồng giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar, đặc biệt là việc mở đường bay trực tiếp giữa hai nước của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và sự hiện diện của BIDV- một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, tạo tiền đề hết sức quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ du lịch, thương mại và đầu tư hai nước trong thời gian tới.
Du khách Myanmar và Việt Nam sẽ có điều kiện dễ dàng tới thăm và tìm hiểu về đất nước, con người của nhau; các doanh nhân có cơ hội tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu và hợp tác kinh doanh đối với các sản phẩm là lợi thế của mỗi nước; các nhà đầu tư có cơ hội vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị, nguyên vật liệu và vốn đầu tư để thực hiện các dự án một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Đây là những tín hiệu đáng mừng, là tiền đề thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về đầu tư để sử dụng hiệu quả nhất tiềm năng có thể khai thác từ hai phía.
Myanmar làđất nướcgiàu tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực như: Nông-lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, khai khoáng, xây dựng hạ tầng, cũng như các ngành dịch vụ, tài chính – ngân hàng, bưu điện – viễn thông... Đó cũng là các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.
|
Công bố và ra mắt Hiệp hội đầu tư Việt Nam và Myanmar
|
Gắn kết chặt chẽ hơn quan hệ kinh tế
Hôm qua (3/4), tại thủ đô Nay Pyi Taw, Thủ tướng hai nước thay mặt hai Chính phủ cùng ký bản Tuyên bố chung về quan hệ hợp tác Myanmar - Việt Nam; đồng thời, chứng kiến việc ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, trồng cây cao su,... giữa các Bộ, ngành của hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Theo Thủ tướng, Hội nghị tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các thông tin mới nhất về cơ chế chính sách, các dự án tiềm năng của Myanmar đang kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhưđược lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền của hai nước giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắctrong việc kinh doanh, đầu tư tại Myanmar.
Thủ tướng đề nghị cần thiết lập một kênh trao đổi thường xuyên giữa Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia Myanmar và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Myanmar phải tuân thủ các quy định pháp luật, các tập tục, truyền thống của Myanmar và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Mỗi doanh nhân, nhà đầu tư Việt Nam khi kinh doanh, đầu tư tại nước bạn phải thực sự trở thành các “Đại sứ kinh tế” nhằm giới thiệu hình ảnh người dân Việt Nam thân thiện, trọng tín và có trách nhiệm. Các doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động tại Myanmar không chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà phải chú ý tới công tác giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; giữ gìn uy tín và hình ảnh tốt đẹp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm thúc đẩy và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp ra nước ngoài nói chung và tại Myanmar nói riêng. Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành tích cực tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp và sẽ có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ về tài chính cho các dự án đầu tư ra nước ngoài.
Bày tỏ mong muốn Chính phủ và các cơ quan nhà nước Myanmar sẽ có các biện pháp khuyến khích, giúp đỡ các nhà đầu tư của Việt Nam trong việc tìm kiếm dự án, tiếp cận hệ thống pháp luật và cấp phép đầu tư cũng như hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũngđề nghị cộng đồng doanh nghiệp Myanmar hết sức tạo điều kiện và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở bình đẳng, hữu nghị, cùng có lợi.
“Chính phủ, nhân dân Việt Nam hết sức hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn tới tìm hiểu và kinh doanh tại đất nước chúng tôi, tăng cường mối liên hệ kinh tế giữa hai dân tộc Myanmar và Việt Nam”, Thủ tướng nói..
Đánh giá cao sự chuyên cần và năng động của người dân Myanmar; sự tận tụy của các cán bộ nhà nước; sự nhanh nhạy, quyết đoán của đội ngũ doanh nhân, Thủ tướng tin tưởng, giai đoạn tới sẽ khởi đầu cho một thời kỳ gắn kết chặt chẽ hơn về quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nền kinh tế, tăng cường hơn nữa sự hợp tác, hữu nghị, toàn diện và bền chặt giữa Việt Nam – Myanmar.
|
Trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar
|
Doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường Myanmar
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Việt Nam đang trở thành nền kinh tế mạnh với sự hình thành nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn có chiến lược phát triển hướng ra thế giới.
Việt Nam hiện đã có gần 500 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tập trung vàocác lĩnh vực công nghiệp (chiếm 40% về số dự án và 67,6% tổng vốn đầu tư); dịch vụ - tài chính ngân hàng - viễn thông - bất động sản - du lịch (chiếm 40,7% về số dự án và 20,7% tổng vốn đầu tư); nông nghiệp (chiếm 19,3% số dự án và 11,7% tổng vốn đầu tư).
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết thêm: Thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát và xin cấp phép đầu tư một số dự án tại Myanmar. Điển hình là dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự án khai thác đá trắng của Công ty Simco Sông Đà; dự án xin thiết lập mạng viễn thông di động của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel,...
Hiện nay, rất nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản, ngân hàng, hàng không đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét; nhiều dự án khác đang được các nhà đầu tư Việt Nam và Myanmar trao đổi, thảo luận thống nhất bước cuối cùng trước khi trình xin cấp phép. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tin tưởng, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn vào Myanmar trong thời gian tới.
Bộ trưởng Thương mại Myanmar Tyn Nang Thein khẳng địnhsẽ tích cực triển khai thỏa thuận giữa hai Chính phủ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar theo hướng cùng nhau phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã chứng kiến lễ ra mắt Hiệp hội các nhà đầu tư vào Myanmar; lễ trao giấy chứng nhận đầu tư và ký kết các thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar; lễ trao quà an sinh của các doanh nghiệp Việt Nam cho đại diện Chính phủ và các cơ quan liên quan của Myanmar./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ