Theo thông cáo trên website của Bộ Thương mại Ấn Độ, nước này đang dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu gạo và lúa mỳ, cho phép các sản phẩm hữu cơ của hai loại nông sản này được bán ra nước ngoài.
Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mỳ từ năm 2007 và cấm xuất khẩu gạo từ đầu năm ngoái. Trước lệnh cấm này, xuất khẩu gạo hữu cơ (không phải loại basmati) của Ấn Độ đạt 10.000 tấn/năm, trong khi xuất khẩu lúa mỳ đạt 5.000 tấn/năm.
Đầu tuần này, Chính phủ Ấn Độ thông báo các cơ quan thuộc chính phủ đã thu mua 12,8 triệu tấn gạo của nông dân trong nước kể từ ngày 1/10 khi niên vụ mới bắt đầu, tăng 4% so với cách đây một năm.
Mức thu mua cao hơn niên vụ trước cho thấy khả năng Ấn Độ chưa cần thiết phải nhập khẩu gạo, cho dù thời tiết xấu nhất trong 37 năm qua đã khiến sản lượng nông nghiệp của Ấn Độ, trong đó có gạo, bị sa sút thảm hại.
Theo mạng tin “Thời báo kinh tế”, Chính phủ Ấn Độ hiện không có kế hoạch nhập khẩu gạo vì vẫn đủ lượng gạo dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Thông báo trước Quốc hội, Quốc vụ khanh phụ trách công thương của Ấn Độ, Jyotiraditya Scindia cho biết, chính phủ nước này đã đánh giá tình hình dự trữ gạo và quyết định việc nhập khẩu gạo vào thời điểm hiện nay là chưa cần thiết.
Tuy nhiên, nếu việc thu mua gạo bị thiếu hoặc sụt giảm, chính phủ có thể xem xét nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trên thị trường nội địa.
Dự kiến, Ấn Độ sẽ bị thiếu khoảng 15 triệu tấn gạo. Tháng trước, chính phủ đã cho phép 3 công ty đấu thầu mua 30.000 tấn gạo với giá từ 372-598 USD/tấn. Sản lượng gạo của Ấn Độ trong niên vụ 2009-2010 dự kiến đạt 69,45 triệu tấn so với 84,58 triệu tấn niên vụ trước.
Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản thông báo họ đang xem xét mua 69.000 tấn gạo để chế biến thực phẩm và nấu rượu thông qua mở thầu thường kỳ kết thúc vào ngày 11/12 tới, với thời hạn giao hàng từ 15/3-30/4/2010.
Trong lần mở thầu này, Bộ trên có kế hoạch mua 13.000 tấn gạo của Mỹ; 10.000 tấn gạo của Thái Lan và phần còn lại chưa xác định./.