Trong phiên giao dịch ngày 29/7, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều đi xuống vào cuối phiên, bất chấp trước đó đã đi lên nhờ những thông tin tốt, như lượng người thất nghiệp trong tuần trước bất ngờ giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp khả quan.
|
Tại sàn giao dịch Thị trường chứng khoán New York
|
Đóng cửa phiên 29/7, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều giảm, trong đó Dow Jones mất 30,72 điểm (0,29%), Nasdaq giảm 12,87 điểm (0,57%) và S&P 500 mất nhẹ 4,60 điểm (0,42%).
Trong các thông tin mới nhất về lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ trong quý II/2010, đáng chú ý có kết quả của Tập đoàn Năng lượng khổng lồ ExxonMobil.
Hãng này công bố lợi nhuận quý II tăng mạnh ngoài dự kiến, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 7,56 tỷ USD so với 3,95 tỷ USD), do sản lượng tại các giếng dầu ở Qatar và Kazakhstan tăng mạnh. Cổ phiếu của hãng này tăng khoảng 1,5% vào đầu phiên, nhưng sau đó lại giảm gần 1% vào cuối phiên.
Theo các nhà phân tích, sự đi xuống về cuối phiên của Phố Wall chủ yếu được cho là do các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Lo ngại này được dấy trở lại khi một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cảnh báo rằng kinh tế Mỹ đang có nguy cơ đình trệ "theo kiểu Nhật Bản" hơn bao giờ hết.
Cùng ngày tại châu Âu, các sàn chứng khoán chính trong khu vực cũng diễn biến tương đồng với chứng khoán Mỹ, bất chấp các số liệu tích cực về kinh tế cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp. Đóng cửa ngày 29/7, cả ba chỉ số chính của khu vực đều quay đầu giảm nhẹ so với đầu phiên, với FTSE 100 của Anh mất 0,11%, CAC 40 của Pháp giảm 0,50% và DAX của Đức mất "đi" 0,72%.
Sự đi xuống vào cuối phiên của các sàn này chủ yếu là do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau nhiều phiên tăng liên tục trước đó.
Bước sang phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/7, các thị trường châu Á phần lớn đều cùng "chia lửa" với các thị trường Mỹ và châu Âu trước đó, trong nỗi lo ngại về sự phục hồi chậm chạp của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Nhật Bản.
Tại Tokyo, Nikkei-225 để mất 1,64% sau khi chính phủ công bố các chỉ số về thất nghiệp và sản lượng công nghiệp trong tháng 6 đều không đạt kỳ vọng của thị trường (tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5,3%, mức cao nhất kể từ tháng 11/09, trong khi sản lượng công nghiệp giảm 1,5% so với dự kiến tăng 0,1%), cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Nhật vẫn còn khá mong manh.
Công bố lợi nhuận cao của hai hãng Sony và Nissan Motor cũng không giúp át đi được tâm lý bi quan của các nhà đầu tư Tokyo từ phiên giảm nhẹ trên Phố Wall đêm hôm trước, cũng như từ việc đồng yen vẫn tiếp tục mạnh lên, "gặm nhấm" vào lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Cổ phiếu của các tên tuổi lớn như Sharp, Canon, Hitachi đều giảm mạnh từ 1-2%.
Ngược lại, những cổ phiếu tăng mạnh trong phiên này là các cổ phiếu của Sony (tăng tới 4,2%), Nissan Motor (+1,5%), Shinsei Bank (+2,7%).
Các thị trường chủ chốt khác như Thượng Hải, Hongkong, Seoul, Đài Loan và Sydney cũng đều giảm nhẹ, với các mức giảm lần lượt là 0,40%, 0,30%, 0,65%, 0,49%, và 0,68%.
Theo những số liệu đầu tiên, thị trường châu Âu mở cửa phiên giao dịch cuối tuần 30/7 cũng đang tiếp nối xu hướng giảm điểm trên, với FTSE 100 của Anh đang tạm giảm 0,30%, CAC 40 của Pháp giảm 0,12% và DAX của Đức mất 0,18%./.