Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đã khiến thâm hụt ngân sách ở Hy Lạp, Ireland và nhiều nước khác trong khu vực đồng euro tăng mạnh và điều này đang làm bộc lộ những điểm yếu của khu vực đồng tiền chung châu Âu sau một thập kỷ hình thành.
Trong bức thư gửi bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng euro ngày 17/1, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker đã kêu gọi tăng cường giám sát nền kinh tế của các nước thành viên, thành lập một khuôn khổ hành động chặt chẽ để củng cố toàn bộ nền kinh tế khu vực đồng tiền chung này.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải thừa nhận những năm tới sẽ là giai đoạn rất khó khăn đối với khu vực đồng euro.
Ông Daniel Gros - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu ở Brussels (Bỉ) cũng cảnh báo về những năm khó khăn sắp tới của khu vực đồng euro và cho rằng đây là một vấn đề không dễ giải quyết.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Tricher trong cuộc họp báo thường kỳ tuần trước cũng bị chất vấn rất nhiều về khả năng sụp đổ khu vực đồng euro.
Giới phân tích cho rằng vấn đề khó khăn ở chỗ khu vực này có một đồng tiền chung và một ngân hàng trung ương, nhưng lại có tới 16 chính phủ.
Trước khi đồng euro ra đời, mỗi nước có cách chi tiêu riêng, nhưng khi thống nhất dưới một đồng tiền chung, đồng tiền này có thể bị suy yếu nếu các nước để lỗ hổng ngân sách quá lớn.
Do vậy, các nước thành viên đã nhất trí đặt quy định không được để thâm hụt ngân sách hàng năm vượt quá 3% GDP.
Trong khi đó, theo dự kiến, thâm hụt ngân sách năm 2009 của Hy Lạp ít nhất cũng lên tới 12,5% GDP và Ailen là 11,7% GDP.
Ngoài ra, các nước đồng euro lại chịu những ảnh hưởng rất khác nhau từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha tháng 11/2009 đã lên tới 19,4%, trong khi ở Hà Lan chỉ là 3,9%.
Những khó khăn này thực sự là một thách thức đối với ECB trong việc tìm một lãi suất phù hợp vừa để thúc đẩy tình trạng trì trệ hiện nay, vừa ngăn chặn lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều màu xám. Đồng euro đã vượt qua những tháng khó khăn của khủng hoảng một cách ngoạn mục. Tỷ giá hối đoái của đồng tiền này vẫn mạnh và giá trị vẫn không ngừng tăng do các nhà đầu tư có xu hướng chuyển từ USD sang euro.
Ngày 15/1 vừa qua, 1 USD đổi được 1,44 euro. Dự trữ ngoại tệ của Nga năm 2009 lần đầu tiên có trữ lượng euro nhiều hơn USD.
Ukraine vừa qua thậm chí đề nghị Nga trả phí trung chuyển dầu khí bằng euro chứ không phải USD./.