Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố số liệu mới nhất cho thấy, GDP quý I-2009 của 30 quốc gia thành viên giảm 2,1%, mức cao nhất kể từ năm 1960.
Thực tế báo hiệu khó khăn chưa hết đối với kinh tế thế giới; các gói kích thích kinh tế của các nước đã bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng các chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để đưa kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái. Chính phủ Nam Phi cho biết, nước này đã rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu trong 17 năm qua, do xuất khẩu giảm sút, GDP giảm liên tiếp hai quý (quý I-2009 giảm 6,4%; quý IV-2008 giảm 1,8%).
Trong khi đó, tại một số nước đã xuất hiện các dấu hiệu kinh tế cải thiện. Chính phủ Nhật Bản ngày 26-5 thông báo, trong tháng 4 vừa qua tiếp tục đạt thặng dư thương mại; xuất khẩu giảm 39,1%, ít hơn nhiều mức 45,5% của tháng trước đó. Viện Nghiên cứu kinh tế Ðức (DIW) cho biết, trong tháng 4 và tháng 5-2009, tình hình kinh doanh trong nước sáng sủa hơn, hoạt động của các công ty khá lên, lượng đơn đặt hàng tăng trở lại, trước hết trong lĩnh vực công nghiệp (tăng 3,3% so với tháng 3). Tuy nhiên, kinh tế Ðức vẫn tiếp tục trong tình trạng khó khăn, hiện mới chỉ hạn chế được tốc độ suy thoái, do đó chưa thể có được một tỷ lệ tăng trưởng dương trong năm nay. Tại Mỹ, chỉ số lòng tin người tiêu dùng tăng lên 54,9 điểm trong tháng 5-2009, so với 40,8 điểm tháng 4 và là mức tăng cao nhất trong một tháng kể từ tháng 4-2003.
TTXVN dẫn kết quả thăm dò dư luận của Công ty Servcorp (Ô-xtrây-li-a) cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm mười nước và vùng lãnh thổ có vị thế thuận lợi nhất để đối phó cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Ðứng đầu nhóm này là Ô-xtrây-li-a./.