Ngày 20/1, báo cáo của Liên hợp quốc về “Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng năm 2010“ cho biết kể từ cuối năm 2008, tổng giá trị các gói kích cầu để vượt qua khủng hoảng kinh tế của 59 nền kinh tế trên thế giới đã lên tới hơn 2.600 tỷ USD.
|
Một trung tâm mua sắm siêu giảm giá để thu hút khách hàng
|
Các cơ quan dự báo kinh tế của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh báo rằng thời điểm hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp để giảm hoặc ngừng các gói kính cầu kinh tế tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… hoặc các nền kinh tế lớn thuộc thế giới đang phát triển.
Báo cáo dài 176 trang này nhận định rằng trong năm 2010 nền kinh tế thế giới tuy phục hồi nhanh nhưng rất mong manh và nhiều nguy cơ rơi trở lại khủng hoảng, với mức tăng trưởng toàn cầu khoảng 2,4%.
Sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô toàn cầu có thể xói mòn và làm suy yếu hơn nữa đồng đôla Mỹ và trở thành nguồn gây bất ổn định tài chính mới trên quy mô toàn cầu.
Động lực thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế Mỹ là tiêu dùng của dân chúng vẫn thấp vì thất nghiệp cao và lãi suất tiết kiệm tăng để bù lại những tổn thất trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Liên hợp quốc kêu gọi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp từ 0-0,25% cho đến quý III/2010. Nền kinh tế Mỹ được dự đoán tăng trưởng 2,1% trong năm 2010.
Theo báo cáo, tình trạng thất nghiệp gia tăng sẽ diễn ra ở phần lớn các nước, và đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Báo cáo còn nhấn mạnh các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là châu Á, sẽ phục hồi mạnh nhất với mức tăng trưởng 5,3%.
Các nền kinh tế Bắc Mỹ cũng tăng trưởng trong năm 2010, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Mỹ và Canada tăng lần lượt là 2,1 % và 2,6%./.