Theo bản tin của hãng tin IPS phát hành tại Liên hợp quốc ngày 3/8, các nước châu Á xuất khẩu gạo như Thái Lan và các nước xuất khẩu gạo khác có nguy cơ bị thu hẹp thị trường tại châu Phi nếu tăng giá mặt hàng này.
|
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn, Việt Nam
|
Ông Miguel Lima - một giám đốc thương mại của công ty SeaRice Limited của Thụy Sĩ chuyên nhập khẩu gạo từ châu Á cho biết, các nước châu Á đang xem xét tăng giá gạo để hỗ trợ nông dân trong nước.
Tuy nhiên, ông nêu rõ các nước dự tính tăng giá gạo đã quên rằng người mua gạo chủ yếu của họ là các nước nghèo ở châu Phi. Người dân châu lục này không có nhiều tiền và họ sẽ tìm loại lương thực khác như kê hoặc sắn để thay thế nếu gạo trở nên quá đắt.
Nếu họ đã chọn loại lương thực khác, rất ít khả năng họ sẽ quay trở lại dùng gạo. Ông này cho rằng các nước xuất khẩu gạo châu Á sẽ tự phá hoại thị trường gạo chủ lực ở châu Phi nếu tăng giá gạo.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá gạo trung bình trên thế giới đã tăng 217% trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2008. Giá gạo năm 2008 đã đắt hơn năm 2007 tới 80%. Giá gạo tháng 5/2008 lên tới 1.038 USD/tấn, sau đó giảm song vẫn không ổn định.
Ông Moses Adewuyi, Giám đốc Công ty chế biến lương thực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nigeria nhấn mạnh, nếu giá gạo quá cao như năm 2007 và 2008, người tiêu dùng nước ông sẽ chuyển sang các loại lương thực giá rẻ hơn vì châu Phi còn nhiều loại lương thực khác có thể thay thế gạo.
Vì không thể để tái diễn tình hình giá gạo trong những năm đã qua, các nước châu Phi nhập khẩu gạo đã có các chương trình thúc đẩy sản xuất gạo, cũng như các loại cây lương thực thay thế ở trong nước để giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.
Nigeria là nước tiêu thụ gạo lớn nhất châu Phi và cũng là nước trồng lúa chủ yếu của châu lục này./.