Tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid, Tây Ban Nha ngày 17/5, Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã nhất trí nối lại đàm phán về tự do thương mại.
 |
Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodríguez Zapatero
|
Việc nối lại đàm phán nhằm đạt được một Hiệp định tự do thương mại được cho là "đầy tham vọng và cân bằng" giữa hai khối kinh tế lớn này. Khối Mercosur gồm 4 thành viên là Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay.
Trao đổi với báo giới, Thủ tướng nước chủ nhà hội nghị José Luis Rodríguez Zapatero cho biết quyết định trên đều nhận được sự tán thành cao từ cả hai phía, bất chấp sự phản đối của một số Bộ trưởng Nông nghiệp của một vài nước EU vì lo ngại thỏa thuận này trong tương lai có thể ảnh hưởng tới ngành sản xuất nông nghiệp của họ.
Thủ tướng Tây Ban Nha đánh giá đây sẽ là thỏa thuận thương mại rất quan trọng của EU và cho biết hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán đầu tiên vào đầu tháng 6/2010.
Theo dự kiến, chủ đề chính trong các cuộc đàm phán sẽ là cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng công nghiệp tại Mercosur và giảm bớt sự trợ cấp của chính phủ đối với các nhà sản xuất nông nghiệp EU, hai yếu tố chính từng làm bế tắc cuộc thương lượng 6 năm về trước.
Theo các nhà lãnh đạo của hai khối kinh tế lớn này, hiệp định tự do thương mại EU-Mercosur sẽ làm tăng trao đổi thương mại song phương lên 100 tỷ euro/năm và mang lại lợi ích cho hơn 700 triệu người dân.
Cuộc đàm phán EU-Mercosur về một hiệp định tự do thương mại được khởi động từ năm 1999, song đã lâm vào bế tắc năm 2004 do bất đồng giữa hai bên về việc áp thuế nhập khẩu nhằm bảo hộ ngành nông nghiệp châu Âu./.