|
Giày dép, dệt may... là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang EU - Ảnh minh họa
|
Theo ước tính của Cơ quan Thống kê Uỷ ban châu Âu (Eurostat) và Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhập khẩu trị giá khoảng 8,3 tỷ Euro (tương đương 12,2 tỷ USD) hàng hóa của Việt Nam, vượt cả thị trường Mỹ (nơi nhập khẩu 11,86 tỉ USD hàng hóa từ Việt Nam).
Tính đến nay, EU tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ 2, chỉ sau Nhật Bản, đầu tư các dự án vào Việt Nam (khoảng 7 tỉ USD).
Tham tán Thương mại Antonio Berenguer cho biết, EU đã từng bước nâng cao vai trò là đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Hàng hóa của EU nhập từ Việt Nam đều là những hàng hóa thuộc các lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động, có tăng trưởng mạnh như giày dép, hàng dệt may, đồ gỗ, hàng nông sản, hải sản…
Về tình hình kinh tế và môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, Bản báo cáo khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát thông qua chính sách thắt chặt tiền tệ và thắt chặt tài khóa đối với tăng trưởng "nóng" trong thời gian qua, đồng thời tích cực cải cách, giảm bớt nhiều thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động sản xuất. Vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009, khi kinh tế trong nước bị ảnh hưởng do sự suy thoái tài chính trên toàn cầu, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp kích cầu nhằm duy trì tăng trưởng đã giúp nhiều doanh nghiệp phát triển sản xuất-kinh doanh, xuất khẩu được lượng hàng lớn ra thị trường thế giới.
Bản Báo cáo đề xuất, Việt Nam cần tiếp tục quá trình tự do hóa thương mại đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại lớn; đồng thời tiếp tục tăng cường hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực cũng như tăng nguồn đầu tư có chất lượng trong lĩnh vực công nghệ. /.
|