(MPI Portal) - Ngày 02/6, theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị “Phổ biến Báo cáo quốc gia năm 2008, Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các Bộ, ngành.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh phát biểu tại Hội nghị
|
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã nêu ra những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được trong quá trình tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định sự tôn trọng của mình về các giá trị và nguyên tắc trong Tuyên bố Thiên niên kỷ Liên hợp quốc do 189 nguyên thủ quốc gia cam kết thực hiện tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2000.
Một số thành tựu đạt được:
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về Mục tiêu giảm nghèo:tỷ lệ nghèo của Việt Nam là 15,97% năm 2006; dự kiến năm 2010 vào khoảng 10%; như vậy, so với tỷ lệ nghèo năm 1993 là 58%, Việt Nam sẽ vượt mục tiêu đề ra.
Việt Nam đã cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; hiện nay Việt Nam đang tiếp tục duy trì thành quả này, đồng thời nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học. Hơn nữa, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục THCS, dự kiến đến năm 2010 sẽ hoàn thành phổ cập THCS trong phạm vi cả nước. Ngoài ra, phổ cập THPT đang được tiến hành ở một số địa bàn và địa phương có điều kiện.
Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận về bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ; nổi bật là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng nói chung, cho trẻ em và phụ nữ nói riêng đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt. Chỉ số về tử vong trẻ em và bà mẹ liên tục giảm trong những năm qua. Dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu trước mốc thời gian năm 2015. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống lây lan HIV/AIDS.
Là một trong những quốc gia được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng với nhiều chỉ tiêu, chỉ số trong mục tiêu đảm bảo môi trường bền vững, Việt Nam đạt được các con số đáng ghi nhận như: tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, tỷ lệ che phủ rừng, diện tích đất được bảo tồn đa dạng sinh học…
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì mục tiêu phát triển, mở cửa và hội nhập: củng cố và mở rộng hợp tác đa phương, song phương; xuất nhập khẩu; thu hút nguồn vốn ODA, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Những hạn chế và thách thức
Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập thấp; nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ còn bị hạn chế; mặt bằng dân trí chưa cao, chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư còn lớn… Đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai thực hiện các mục tiêu. Thách thức đang đặt ra cho Việt Nam là cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, sự chênh lệch vùng miền, chênh lệch giữa các nhóm dân tộc; nền kinh tế nhỏ bé, thiếu việc làm cũng là những thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển. Nhiều cơ chế, chính sách về an sinh xã hội cần được bổ sung, hoàn thiện và đồng bộ hóa.
Các mục tiêu hướng tới
Việt Nam cho rằng việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ trong thời gian tới vẫn là mục tiêu quan trọng, phù hợp với nguyện vọng của tất cả các quốc gia. Các mục tiêu, chỉ tiêu và chỉ số cần phải được các quốc gia hóa cho phù hợp với thực tế của mỗi quốc gia. Tăng cường giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển là việc làm cần thiết của mỗi quốc gia; đồng thời cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu này thông qua các cuộc hội thảo quốc tế. Các nước phát triển cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển và chậm phát triển trên cơ sở tăng cường hơn nữa nguồn vốn ODA. Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Việt Nam cho rằng cần tiếp tục tăng cường một hệ thống thương mại và tài chính thông thoáng, công khai, minh bạch trên nguyên tắc không phân biệt, vì mục tiêu phát triển của các Quốc gia, góp phần tăng cường ổn định và an ninh trên thế giới.
Hướng tới việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ đến năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo hướng bền vững, tạo ra những điều kiện vững chắc và thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư