Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí The Economist, ngày 20/1, cho rằng giá tiêu dùng tăng hiện là mối lo lớn của các nhà hoạch định chính sách ở châu Á. Trong bối cảnh đó, các nước đang nỗ lực đối phó với lạm phát tăng cao.
Tháng 11/2010, lạm phát tại Trung Quốc đã tăng lên mức 5,1% so với cùng kỳ năm 2009 và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Giá cả tăng nhanh cũng là một mối lo ngại lớn đối với Ấn Độ, nơi chỉ số lạm phát lên tới 8,4% trong tháng 11/2010. Lạm phát của các nước khác như Pakistan, Việt Nam, Sri Lanka… cũng đang ở mức cao.
Theo EIU, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở khu vực này tăng là do giá lương thực cao hơn. Mặc dù lạm phát hạt nhân (chỉ số không tính đến các mặt hàng hay thay đổi như lương thực và dầu mỏ) cũng tăng trong những tháng gần đây, nhưng nhìn chung nó vẫn ở trong phạm vi có thể chấp nhận được đối với các ngân hàng trung ương.
Bên cạnh đó, 2 yếu tố khác dẫn đến việc lạm phát tăng trên khắp châu Á. Đó là do kinh tế châu Á phục hồi mạnh mẽ giúp giảm thất nghiệp và tiền lương tăng. Yếu tố thứ hai là do chính sách tiền tệ nới lỏng.
Theo EIU, các ngân hàng trung ương trong khu vực đã từ từ tăng lãi suất để chống lại lạm phát (chỉ trừ Indonesia và Nhật Bản). Hàn Quốc và Thái Lan đã tăng lãi suất trong năm 2011, trong khi Trung Quốc đã tăng lãi suất 3 lần kể từ cuối tháng 10/2010.
Tăng lãi suất chưa chắc đã là công cụ chống lạm phát hiệu quả nhất vì lãi suất không có mấy tác dụng trong việc hạ giá lương thực. Tuy nhiên, điều này quan trọng đối với các ngân hàng trung ương để đảm bảo được việc tránh vòng xoáy lương - giá: công nhân đòi lương cao hơn để bù đắp cho việc giá lương thực cao, điều này lại buộc các công ty tăng giá để bù đắp cho chi phí lao động tăng lên.
Mặc dù các ngân hàng trung ương trong khu vực đã bắt đầu tăng lãi suất từ giữa năm 2010, nhưng lãi suất vẫn quá thấp so với tốc độ phục hồi của nền kinh tế ở nhiều nước. Lãi suất chưa quay về mức trước khủng hoảng ở bất cứ nền kinh kinh tế lớn nào của châu Á. Và do lạm phát tăng cao trong những tháng gần đây, hiện lãi suất đã ở mức âm tại nhiều nước.
Bên cạnh tăng lãi suất, chính phủ các nước châu Á cũng đã sử dụng các biện pháp trực tiếp để kiểm soát giá lương thực.
Ấn Độ đã mở cửa kho dự trữ lúa gạo và cam kết tiếp tục không áp thuế đối với dầu thực vật nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc cam kết loại bỏ việc đầu cơ lương thực và chính quyền một số địa phương đã đưa ra các biện pháp kiểm soát trực tiếp giá một số loại lương thực.
Vấn đề này cũng có những tác động cần chú ý bởi giá lương thực tăng cao sẽ ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của người tiêu dùng và do đó cản trở sự tăng trưởng kinh tế, dù rằng ở một số nước, giá lương thực cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng việc tăng thu nhập của nông dân.
Tuy nhiên chính phủ nhiều nước lo ngại với việc giá lương thực tăng nhanh vì nó có thể dẫn đến những bất ổn xã hội như đã từng xảy ra ở một số nước trong năm 2008.
Theo dự báo của EIU, mức lạm phát trung bình của châu Á trong năm 2011 là 4,4% và chưa thực sự nghiêm trọng như trong thời kỳ trước khủng hoảng (năm 2008 ở mức 7,1%). Lạm phát sẽ tạo ra những vẫn đề nghiêm trọng nhất ở khu vực Nam Á khi chỉ số này ở Pakistan, Sri Lanka, Ấn Độ và Bangladesh sẽ vượt mức 6%./.
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ