Ngày 3/6, Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức cuộc đối thoại với các doanh nghiệp tỉnh Aichi - Nhật Bản đầu tư ở khu vực phía Bắc, nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác của các nhà đầu tư với Việt Nam.
Chủ đề đối thoại hướng về các vấn đề: Cơ sở hạ tầng của Việt Nam và chính sách đầu tư trong và ngoài khu công nghiệp (KCN); cho vay và hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ với các doanh nghiệp trong và ngoài KCN; các chính sách thuế hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, dù chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nhưng 5 tháng đầu năm, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức 6,68 tỷ USD, gần bằng số vốn cam kết của cả năm 2005; mức vốn giải ngân là 2,8 tỷ USD, chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn hấp dẫn. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với trên 1.100 dự án, lượng vốn đăng ký lũy kế tính đến nay là 17 tỷ USD; trên 5 tỷ USD vốn thực hiện. Trong thời điểm khủng hoảng, nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Điểm tốt trong môi trường đầu tư của Việt Nam được các doanh nghiệp nhìn nhận là lực lượng lao động dồi dào, chăm chỉ nên khi đến Việt Nam đầu tư rất yên tâm. Tuy nhiên, ông Saburo Onoki, Giám đốc Bộ phận Đầu tư và Thương mại tỉnh Aichi cho biết, trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã và đang gặp phải nhiều khó khăn về mặt cơ sở hạ tầng, giao thông, điện lực, đặc biệt là các thủ tục hành chính và chính sách thuế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp tỉnh Aichi đã tham gia đông đủ trong buổi đối thoại với mong muốn nhận được thêm thông tin mới nhất về chính sách, thủ tục đầu tư và giải đáp nhiều vấn đề còn băn khoăn trong quá trình đầu tư, sản xuất tại miền Bắc Việt Nam.
Ông Eiji Tominaga, Giám đốc Công ty TNHH DENSO Việt Nam cho biết rất quan tâm đến vấn đề điện nước, cảng biển, nhất là đường giao thông từ cảng biển về Công ty. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ có hành động quyết liệt hơn, hoạch định rõ ràng, ai làm gì, trong bao lâu để cải thiện cơ sở hạ tầng. Những chính sách thuế không có tính ổn định cao, có khi thay đổi thường xuyên nên nhà đầu tư nhiều khi rất bị động”, ông Eiji Tominaga chia sẻ như vậy.
Ông Phan Hữu Thắng thừa nhận hệ thống đường sắt của Việt Nam còn lạc hâu, chủ yếu là đường đơn, đường hàng hải còn bị hạn chế do thiếu cảng nước sâu, hệ thống viễn thông còn thiếu công nghệ cao, tỷ lệ quốc lộ, trục lộ tỉnh còn thấp. Nhu cầu đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng rất lớn. Tuy nhiên, mức độ cơ sở hạ tầng hiện nay cũng đã là một thành tựu với rất nhiều nỗ lực to lớn của nhân dân, Chính phủ Việt Nam sau 20 năm đổi mới.
ÔngThắng cũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cụ thể là hình thức đầu tư kết hợp công- tư, hình thức đầu tư BOT, tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đồng thời không ngừng lắng nghe các nhà đầu tư, liên tục cải cách và đổi mới cơ chế, hệ thống chính sách để tăng cường sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư.
Hiện nay, ở Miền Bắc các doanh nghiệp của tỉnh Aichi Nhật Bản chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), Nomura (Hải Phòng), Quế Võ (Bắc Ninh)./.
Nguyệt Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ