Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương cho biết, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã thành công tốt đẹp.
Sáng 13/8, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã tổ chức Hội nghị truyền hình trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố công bố kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
|
Hội nghị công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009
|
Tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua
Theo kết quả điều tra, sau 10 năm (kể từ năm 1999), dân số nước ta tăng thêm 9,47 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 947.000 người và đây là thời kỳ có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua.
Tổng số dân nước ta vào 0h ngày 1/4/2009 là 85.789.573 người; là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippine) và thứ 13 thế giới.
Dân số Việt Nam phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng. Vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long nơi có đất đai màu mỡ, điều kiện canh tác nông nghiệp thuận lợi nên có 43% dân số tập trung sinh sống. Ngược lại, các vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (là những vùng núi cao điều kiện sống khó khăn và cũng là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số), chỉ chiếm gần 19% dân số cả nước (tỷ lệ 1/5).
Trong 10 năm qua, các vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có tỷ lệ tăng dân số bình quân thấp nhất 0,4%/năm, tiếp đến là đồng bằng sông Cửu Long 0,6%/năm. Vùng Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ dân số tăng cao nhất 3,2%/năm.
5 tỉnh, thành phố có dân số đông nhất cả nước là: Thành phố Hồ Chí Minh có 7.123.340 người; Hà Nội 6.448.837, Thanh Hoá: 3.400.239; Nghệ An: 2.931.055 và Đồng Nai có 2.483.211 người.
Điều đáng chú ý là, sau 10 năm, tỷ số giới tính đã tiếp tục tăng lên và đạt mức 98,1 nam/100 nữ, cao hơn so với cách đây 10 năm (96,7 nam/100 nữ).
Đánh giá, phân tích ngay kết quả điều tra, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
Theo đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA, việc Việt Nam công bố nhanh chóng kết quả điều tra chỉ sau 3 tháng triển khai là đáng khích lệ, điều mà rất ít quốc gia thực hiện được.
UNFPA cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đánh giá và xử lý thông tin từ cuộc điều tra để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợChính phủ Việt Nam phân tích sâu các số liệu kết quả cuối cùng.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả sơ bộ bước đầu về cuộc Tổng điều tra là cơ sở để các ngành, các địa phương sử dụng trong hoạch định chính sách kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị mình.
Ghi nhận nỗ lực của đội ngũ tham gia cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao kết quả đã thu được và cho đây là bước quan trọng đảm bảo sự thành công của công tác điều tra.
|
Phó Thủ tướng cho rằng: Kết quả Tổng điều tra cho thấy, công tác kế hoạch hoá gia đình trong 10 năm qua của Việt Nam đã được triển khai khá thành công
|
Theo Phó Thủ tướng, kết quả Tổng điều tra cho thấy, công tác kế hoạch hoá gia đình trong 10 năm qua của Việt Nam đã được triển khai khá thành công, tỷ lệ tăng dân số chỉ còn 1,2%/năm thay vì 1,7%/ năm như 10 năm trước đây.
Các chỉ tiêu dân số khu vực và vùng kinh tế cũng phản ánh khá rõ sự dịch chuyển dân số tới các khu vực có công nghiệp và kinh tế phát triển.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc công bố sơ bộ 5 chỉ tiêu về dân số cho chúng ta đánh giá được kết quả phát triển kinh tế-xã hội 10 năm qua và có cơ sở để hoạch định kế hoạch kinh tế-xã hội 10 năm tới một cách chính xác, khoa học.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan cần đánh giá phân tích ngay các kết quả của cuộc Tổng điều tra, kịp thời phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và công bố công khai minh bạch cả trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc triển khai cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở trên toàn quốc vừa qua đã sử dụng lực lượng lớn nhân lực, vì vậy cần sớm tổng kết đánh giá khen thưởng kịp thời các Ban Chỉ đạo và cá nhân đã đóng góp công sức cho cuộc Tổng điều tra./.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ