Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/07/2009-09:35:00 AM
Chủ động đón bắt những cơ hội và thách thức “hậu khủng hoảng”
Để có những đánh giá đầy đủ về những cơ hội và thách thức thời kỳ “hậu khủng hoảng”, từ đó có các giải pháp tăng trưởng bền vững, sáng ngày (9/7), Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo “Hướng tới giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” với sự tham gia của hơn 400 cán bộ lãnh đạo, công chức, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những diễn biến của tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy, Việt Nam nằm trong số 13 quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương (ở mức 3,9%), dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam tăng trở lại. Sản lượng công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường chứng khoán, bất động sản đang tan băng… Đó là tín hiệu tốt cho thấy sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi.
Để đón bắt những cơ hội và thách thức “hậu khủng hoảng”, tại Hội thảo, các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế tập trung bàn thảo, hiến kế về những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm giải pháp về thương mại, chính sách công nghiệp, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài… cũng như kinh nghiệm quý báu của các quốc gia.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, sẽ nổi lên nhiều vấn đề cần được tính đến trong thời kỳ “hậu khủng hoảng”.
Việt Nam vẫn phụ thuộc đáng kể vào thị trường thế giới kể cả “đầu ra” (xuất khẩu) và “đầu vào” (vốn, công nghệ, nguyên vật liệu…), do vậy, hướng ưu tiên cần được dành cho các lĩnh vực này.
Kinh tế phục hồi đòi hỏi nhiều nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị mà kinh tế trong nước chưa đáp ứng được, giá cả trên thị trường thế giới gia tăng, hàng hóa các nước đổ vào thị trường nước ta nên cần có các biện pháp đối phó hữu hiệu với tình trạng nhập siêu thái quá nảy sinh.
Vấn đề nữa nổi lên là việc thu hút, giải ngân các nguồn vốn bên ngoài, đòi hỏi chúng ta phải cải thiện kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…
Vừa qua, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng ta đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa. Ở thời kỳ “hậu khủng hoảng” nhất thiết không nên buông lỏng hướng này mà cần coi đây như một hướng lâu dài và cơ bản. Muốn vậy, cần phải cơ bản tiến hành các biện pháp đồng bộ, từ việc nâng cao ý thức người tiêu dùng đến cải tiến mẫu mã, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hình thành tỷ giá thỏa đáng, mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá… hàng hóa lẫn các loại hình dịch vụ trong nước.
Một hướng lớn cần được quan tâm là xử lý các vấn đề tài chính – tiền tệ. Hiện nay, dư luận quan tâm nhiều đến nguy cơ lạm phát. Điều này dễ hiểu vì thâm hụt ngân sách tăng cao, để khôi phục kinh tế ắt phải nới lỏng chính sách tiền tệ, gia tăng lượng tiền tương ứng, nhập siêu có thể bùng phát, giá cả thế giới có thể lại biến động.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, điều đáng mừng là các cơ quan có trách nhiệm đã nhận thức rõ nguy cơ này, quyết tâm duy trì sự ổn định vĩ mô và mức lạm phát có thể chấp nhận ở mức độ nhất định để thúc đẩy tăng trưởng.
Một vấn đề sẽ nổi lên trong thời kỳ “hậu khủng hoảng” là lộ trình giảm thiểu các biện pháp kích thích kinh tế. Chấm dứt quá nhanh, quá mạnh sẽ gây ra sự hẫng hụt đối với các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sự phục hồi. Ngược lại, nếu duy trì quá lâu, quá mức sẽ gây ra tâm trạng ỷ lại, giảm thiểu sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó nên chủ động đề ra một lộ trình hợp lý để giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế được công bố công khai, minh bạch để các doanh nghiệp thích nghi, bố trí lại sản xuất.
Nói chung để tận dụng các cơ hội, ứng phó thách thức sẽ nảy sinh trong thời kỳ “hậu khủng hoảng” thì còn nhiều việc phải làm. Điều quan trọng là chủ động nhận diện những cơ hội và thách thức ấy, đồng thời chủ động đề ra kế hoạch tổng thể thì sẽ có lợi hơn.
Đó cũng là mục đích, nội dung được các đại biểu tham dự Hội thảo bàn thảo kỹ càng. Từ kết quả Hội thảo, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, các cơ quan liên quan sẽ hoàn thiện báo cáo về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ./.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1143
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)