Tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích cho tới khi kinh tế thế giới đạt được sự phục hồi bền vững là một những nội dung chính của Tuyên bố chung tối 25/9 kết thúc cuộc họp thượng đỉnh G-20 tại thành phố Pittsburgh của Mỹ.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama đón Thủ tướng Anh Gordon Brown tới dự hội nghị.
|
Tuyên bố còn khẳng định việc thiết lập một khuôn khổ để cùng nhau hành động vì sự phát triển cân đối, mạnh mẽ và bền vững; cải cách cơ cấu kinh tế theo đó tăng cường vai trò của nhóm 20 quốc gia phát triển và các thị trường đang nổi lên; xem xét lại các quy định tài chính; giới hạn mức tiền thưởng của các ngân hàng; thúc đẩy để sớm kết thúc vòng đàm phán tự do hóa thương mại thế giới Doha.
Với hàng loạt cam kết này, các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí cho rằng cuộc gặp lần thứ ba trong năm 2009 của nhóm nước được thành lập từ năm 1999 này đã “thành công”.
Trong tuyên bố chung, mặc dù xác định kinh tế toàn cầu có vẻ như đã bình ổn sau cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm vừa qua, nhưng các nhà lãnh đạo G-20 vẫn thể hiện giọng điệu lạc quan thận trọng khi cho rằng điều quan trọng là các quốc gia không nên vội vã chấm dứt các gói kích thích kinh tế đang theo đuổi và tương đối hiệu quả.
Tuyên bố xác định "về ngắn hạn, chúng ta phải tiếp tục thực hiện các chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế để hỗ trợ các họat động kinh tế cho đến khi đạt được sự phục hồi rõ ràng”.
Tuyên bố chung cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay càng cho thấy rõ tầm quan trọng và nhu cầu cần phải có các chương trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững dựa trên trách nhiệm của từng quốc gia. Cuộc khủng hoảng cũng một lần nữa khẳng định sự phát triển và thịnh vượng của các nước thời nay là không tách rời nhau, không một quốc gia hoặc một khu vực nào có thể tránh được hậu quả một khi khủng hoảng xảy ra.
Để ngăn chặn nguy cơ tái diễn các cuộc khủng hoảng trong tương lai, tuyên bố chung hối thúc các quốc gia đề ra các chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô đúng đắn, cải tổ và giám sát chặt chẽ hoạt động của khu vực tài chính, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tránh các biện pháp bảo hộ mậu dịch. Các nhà lãnh đạo G-20 cũng nhất trí từng bước loại bỏ các khoản trợ cấp cho dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi bế mạc cuộc họp, Tổng thống Mỹ Barack Obama lạc quan cho rằng các nỗ lực của G-20, với cuộc họp tại London hồi tháng Tư là bước ngoặt, đã góp phần ngăn chặn nền kinh tế thế giới rơi vào thảm họa. Ông Obama khẳng định vai trò ngày càng lớn của G-20 trong việc điều phối chính sách kinh tế toàn cầu, một chức năng vốn do nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) đảm nhiệm trong suốt hơn 30 năm qua.
Thủ tướng Anh Gordon Brown thì khẳng định: “Hệ thống cũ của sự hợp tác kinh tế quốc tế đã qua rồi. Một hệ thống mới đã bắt đầu, không chỉ gồm các nước phát triển mà có cả các thị trường mới nổi phát triển nhanh như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.. để trở thành tổ chức kinh tế chính để giải quyết việc quản lý kinh tế trên toàn thế giới".
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố “rất hài lòng” với các biện pháp mà G-20 đã nhất trí nhằm giới hạn tiền thưởng của các ngân hàng.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kêu gọi các nhà lãnh đạo "cương quyết bác bỏ và phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức". Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định vai trò có một không hai của G-20 ở thời điểm hiện nay tiến tới chỗ thay thế G-8 trở thành diễn đàn quan trọng nhất giải quyết các vấn đề kinh tế thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cũng nhất trí về vai trò quan trọng của G-20 trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu nhưng đề nghị không nên giải tán nhóm G-8, cho rằng với thành phần lớn hơn G-20 sẽ khó hơn G-8 trong việc đạt được một sự đồng thuận./.