Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng dương trở lại trong quý 2 sau 5 quý liền liên tục co cụm. Sự hồi phục của lĩnh vực xuất khẩu và chi tiêu của người dân đã giúp nước này thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất thời hậu chiến tranh.
|
Một góc Tokyo
|
Số liệu thống kê do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày hôm nay (17/8) cho thấy, GDP quý 2 của Nhật đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi sụt giảm tới 11,7% trong quý 1. Nếu so với quý 1, GDP quý 2 của Nhật tăng trưởng 0,9%.
Phản ứng trước số liệu này, thị trường chứng khoán Nhật đã lên điểm, sau đó lại giảm điểm khá mạnh. Các nhà đầu tư lo ngại, sự phục hồi của kinh tế Nhật chỉ là kết quả tức thời của các biện pháp kích cầu mà Chính phủ nước này cũng như các quốc gia khác trên thế giới áp dụng.
Theo số liệu của hãng tin tài chính Bloomberg, tới thời điểm hiện tại, chính phủ các nước trên thế giới đã cam kết chi tới 2.000 tỷ USD để chống suy thoái.
“Giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất đã qua, nhưng Nhật Bản chưa có được điều kiện để đạt được sự phục hồi bền vững”, chuyên gia kinh tế trưởng Takahide Kiuchi thuộc công ty chứng khoán Nomura Securities ở Tokyo nhận xét.
Đóng góp nhiều nhất vào tăng GDP quý 2 của Nhật là tăng trưởng xuất khẩu của nước này. Thống kê cho thấy, xuất khẩu của Nhật trong quý 2 tăng 6,3% so với quý 1. Riêng xuất khẩu ròng đóng góp 1,6% vào mức tăng GDP quý 2 của nước này so với quý 1.
Tình hình kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Nhật đang được cải thiện. Kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) chỉ suy giảm 0,1% trong quý 2, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất là Pháp và Đức đã thoát khỏi suy thoái. Kinh tế Mỹ quý 2 tăng trưởng âm 1%, mức co rút khiêm tốn nhất trong vòng 1 năm qua. Kinh tế Trung Quốc quý 2 tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sự phục hồi của xuất khẩu vẫn chưa đủ sức thuyết phục các công ty Nhật đầu tư nhiều hơn vào nhà máy và thiết bị. Đầu tư của khối doanh nghiệp - mảng chiếm 15% GDP của Nhật - đã giảm 4,3% trong quý.
“Vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ những rủi ro đối với nền kinh tế, bao gồm mức độ sản xuất, thị trường việc làm đang xấu đi, và những rủi ro suy giảm của nền kinh tế toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Chính sách kinh tế và tài khóa của Nhật, ông Yoshimasa Hayashi phát biểu trước báo giới.
Chi tiêu dùng cũng là một nhân tố quan trọng nữa giúp GDP của Nhật tăng trưởng dương trở lại trong quý 2. Gói kích thích kinh tế trị giá 25.000 tỷ Yên (tương đương 263 tỷ USD) của Thủ tướng Taro Aso đã thúc đẩy người dân tại đất nước mặt trời mọc ít thắt lưng buộc bụng hơn.
Tiêu dùng - lĩnh vực chiếm hơn 1/2 GDP của Nhật - đã tăng 0,8% trong quý 2 và đóng góp 0,5% vào tăng trưởng GDP.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Masaaki Shirakawa cũng tỏ ra khá thận trọng về sự phục hồi của kinh tế Nhật khi duy trì lãi suất đồng Yên ở mức 0,1%. Giới phân tích dự báo, mức lãi suất này của đồng Yên sẽ còn được giữ nguyên cho tới hết năm sau.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật hiện là 5,4% và được dự báo có thể lên tới mức kỷ lục 5,8% vào năm sau trong điều kiện các doanh nghiệp còn duy trì hoạt động sản xuất ở mức thấp như hiện nay./.