Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2010, cao hơn mức dự báo 2,5% đưa ra hồi tháng 7.
Theo IMF, mức dự báo khả quan hơn này được đưa ra dựa trên cơ sở số tiền 2.000 tỷ USD mà thế giới đã chi ra để kích thích tăng trưởng và sự phục hồi nhu cầu tại các thị trường ở châu Á.
IMF dự báo GDP kinh tế thế giới năm nay sẽ suy giảm 1,1%, thấp hơn mức dự báo suy giảm 1,4% đưa ra hồi tháng 7 - Ảnh: Reuters.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook) công bố ngày 1/10 của IMF nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9% trong năm tới. Cơ quan này dành mức dự báo tăng GDP 6,4% cho Ấn Độ, 1,7% cho Nhật Bản, 1,5% cho Mỹ, và 0,3% cho khu vực sử dụng đồng Euro.
Đối với năm nay, IMF dự báo GDP kinh tế thế giới sẽ suy giảm 1,1%, thấp hơn mức dự báo suy giảm 1,4% đưa ra hồi tháng 7.
Định chế này cho rằng, những nền kinh tế phát triển nhất thế giới như Mỹ, Đức và Nhật Bản sẽ là những nền kinh tế có mức sụt giảm GDP mạnh nhất lên tới 3,4%. Trong khi đó, khối các nền kinh tế đang nổi lên được dự báo sẽ tăng trưởng 1,7% trong năm 2009.
Những con số dự báo này của IMF cho thấy, các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á sẽ là đầu tàu kéo kinh tế thế giới ra khỏi giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2 này.
“Nền kinh tế toàn cầu dường như đã tăng trưởng trở lại dưới sức kéo của các hoạt động kinh tế mạnh mẽ diễn ra ở châu Á, sự bình ổn trở lại hoặc phục hồi khiêm tốn ở các khu vực khác”, IMF nhận định.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo, sự phục hồi của kinh tế thế giới sẽ “yếu ớt so với những gì đã diễn ra trong lịch sử” và cho rằng, việc phục hồi lại sức mạnh cho ngành ngân hàng vẫn là ưu tiên hàng đầu. IMF cũng cho rằng, tình trạng thắt chặt tín dụng và thất nghiệp sẽ là những rào cản lớn đối với tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới.
“Sự phục hồi đã bắt đầu”, chuyên gia kinh trưởng Olivier Blanchard của IMF phát biểu trong một cuộc họp báo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Blanchard khẳng định, “mặc dù các thị trường tài chính đang khỏe lại, các chính phủ cũng không nên nghĩ rằng khủng hoảng đã chấm dứt”.
Tuần trước, Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn cũng cảnh báo, còn quá sớm để khẳng định khủng hoảng đã kết thúc. Vào ngày 30/9, IMF đã đưa ra dự báo, ngành ngân hàng thế giới sẽ còn phải chịu khoản thâm hụt tài sản 1.500 tỷ USD vì cuộc khủng hoảng này.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới lần này, IMF cho rằng, với sự phục hồi trở lại của kinh tế, thách thức lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới là xác định thời điểm tăng lãi suất trở lại và hút lại những khoản vay khẩn cấp đã bơm cho các ngân hàng trong thời gian khủng hoảng.
Định chế này cảnh báo, việc rút lui quá sớm khỏi các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng có thể tạo ra một mối đe dọa lớn đối với sự phục hồi, trong khi việc chậm trễ có thể dẫn tới sự hình thành của bong bóng tài sản ở những nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Mức dự báo tăng trưởng GDP 1,5% mà IMF dành cho kinh tế Mỹ năm 2010 đã cao gần gấp đôi so với mức dự báo 0,8% đưa ra hồi tháng 7. Mặc dù vậy, năm nay, IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 2,7%, nhiều hơn mức dự báo suy giảm 2,6% đưa ra lần trước.
Theo IMF, tốc độ tăng GDP tiềm năng Mỹ sẽ ở mức dưới 2% trong một thời gian khá dài sắp tới, ảm đạm hơn mức dự báo 2,5-2,7% mà Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) đưa ra gần đây.
IMF cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ đạt đỉnh ở mức trên 10% vào nửa sau của năm 2010, trong khi tỷ lệ lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) của nước này sẽ ở mức dưới 1% trong phần lớn thời gian của năm tới./.