Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/09/2009-15:47:00 PM
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường thăm Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary
Sáng nay 14/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã lên đường thăm chính thức 3 nước nói trên theo lời mời của Thủ tướng Kazakhstan Karim Masimov, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen và Thủ tướng Hungary Gordon Bajnai từ 14 - 19/9.

Một góc thủ đô Astana, Kazakhstan

Tham gia Đoàn chính thức có Phu nhân Thủ tướng- bà Trần Thanh Kiệm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên; lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Bình, Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Mai Trọng Nhuận, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Văn Tùng, Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Vũ Thế Hiệp, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Vũ Văn Lưu, Đại sứ Việt Nam tạiHungary Nguyễn Quốc Dũng.
Chuyến thăm chính thức 3 nước Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức khá cao (trung bình 7%-8%/năm), vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh chung của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã và đang triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bước đầu đạt kết quả khả quan: GDP năm 2008đạt 6,23% và phấn đấu đạt hơn 5% năm 2009.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary
Các nước Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary là những nước có quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đồng thời cả 3 nước đang thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng, tăng cường quan hệ với các nước trên thế giới và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Về kinh tế, với những thế mạnh riêng của mình, các nước này có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam.
Đối với Kazakhstan, quan hệ chính trị giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp. Quan hệ kinh tế giữa hai nước tuy còn khiêm tốn, nhưng gần đây có tiến triển, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt 96 triệu USD (tăng 40% so với năm 2007). Kazakhstan có thế mạnh về công nghiệp dầu khí và khai thác mỏ. Hiện nay, hai nước đang thảo luận thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Đan Mạch phát triển tích cực. Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Về quan hệ kinh tế - thương mại có những bước tiến triển tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 10-15%/năm, đạt 318 triệu USD năm 2008; đầu tư trực tiếp của Đan Mạch vào Việt Nam khoảng 400 triệu USD (đứng thứ 22 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam). Đan Mạch là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam với tổng viện trợ không hoàn lại đến nay vào khoảng 1 tỷ USD. Năm 2008, Đan Mạch đã quyết định dành cho Việt Nam khoản viện trợ mới 40 triệu USD dành riêng cho lĩnh vực hợp tác về biến đổi khí hậu.
Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary không ngừng được củng cố thông qua trao đổi các đoàn cấp cao. Trên các diễn đàn quốc tế, hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ tích cực (Hungary ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2008-2009). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2008 đạt 100 triệu USD (tăng 25% so với năm 2007). Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của Hungary. Năm 2007, Hungary cam kết viện trợ cho Việt Nam 49,5 triệu USD.
Chuyến thăm 3 nước lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam nhằm triển khai tích cực chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với bạn bè truyền thống; tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam ở châu Âu và trên thế giới; đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước này đi vào chiều sâu và có hiệu quả, thúc đẩy doanh nghiệp 3 nước quan tâm hơn nữa đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam làm ăn sinh sống ở nước sở tại, là nhịp cầu nối, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước./.
Việt Đông
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1141
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)