Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/08/2009-15:08:00 PM
Việt Nam là một trong những nơi hấp dẫn đầu tư
Trong thập niên qua, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất về đầu tư, với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động đông, nguồn tài nguyên dồi dào, cùng các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư.
Một số doanh nghiệp dệt may hiện đã chuyển cơ sở sản xuất của họ ở Thái Lan sang Việt Nam để tiếp cận với nguồn nhân công rẻ hơn
Lời nhận định trên đã được Wittaya Supatanakul, nguyên Tổng giám đốc văn phòng của Ngân hàng Bangkok Bank Plc tại Việt Nam và hiện là cố vấn của các dự án ở Campuchia/Lào/Myanmar/Việt Nam, thuộc Ban đầu tư Thái Lan (BoI) đưa ra.
Trong bài viết đăng trong mục Tiêu điểm châu Á của nhật báo "Bưu điện Bangkok" hôm cuối tuần, ông Wittaya nói rằng cho dù còn những hạn chế như thiếu cấu trúc hạ tầng, nhưng với quyết tâm, Chính phủ Việt Nam đã thu hút được giới đầu tư bằng chính sách ưu đãi về thuế và các hình thức khuyến khích khác.
Tất nhiên, trong bối cảnh cú sốc kinh tế trong nước xảy ra năm 2007 và sự phát triển chậm lại của kinh tế toàn cầu hiện nay, để có thể tiếp tục làm được điều diệu kỳ đó Việt Nam cần nỗ lực gấp bội.
Sau khi khắc phục được cú sốc kinh tế giữa năm 2007 nhờ những quyết định lành mạnh của các nhà hoạch định chính sách, kinh tế Việt Nam đã phục hồi với tỷ giá ngoại tệ ổn định, lãi suất vay và cho vay giảm xuống còn khoảng 7-10,5%, so với mức 19-21% trước đó. Giá bất động sản, giá cổ phiếu đã và đang phục hồi dần, tuy khá chậm, với chỉ số chứng khoán tăng lên 458 điểm hồi tháng 7 năm nay.
Chính phủ Việt Nam đang tích cực làm việc để giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng và sự suy giảm kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ. Tuy vậy, cuộc "khủng hoảng Hamburger" đó hình như ít tác động tới Việt Nam hơn, mặc dù xuất khẩu đóng góp tới 70% GDP.
Trong lúc kinh tế Thái Lan sụt giảm 7,1% trong quý I/2009 thì GDP của Việt Nam tăng 3,9% và Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng 5% cho năm nay.
Trong lúc Thái Lan, vùng lãnh thổ Đài Loan và một số nền kinh tế khác chi cấp tiền mặt hoặc phiếu mua hàng cho người tiêu dùng để kích thích chi tiêu thì Việt Nam miễn giảm thuế thu nhập cá nhân (ước vào khoảng 382,7 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm 2009.
Ngoài việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty vừa và nhỏ xuống 30%, việc thả nổi có sự quản lý tỷ giá đồng nội tệ cũng giúp ích cho doanh nghiệp. Đồng tiền Việt Nam đã yếu đi 6% so với đồng USD trong những tháng qua, trong khi đồng baht Thái lại tăng 2% so với đồng USD.
Việt Nam là một thị trường lớn, với gần 86 triệu người tiêu dùng trong nước và 3,2 triệu Việt kiều, những người đã gửi lượng kiều hối trị giá 8 tỷ USD cho người thân năm 2008.
Chăm chỉ lao động và tiếp thu nhanh, người lao động Việt Nam (khoảng 46,5 triệu lao động) được đánh giá là nguồn nhân công có chất lượng và giá tương đối thấp. Điều quan trọng hơn là chính sách thuế của Việt Nam có lợi cho các doanh nhân nước ngoài.
Các công ty nhà nước và tư nhân đều nộp thuế lợi nhuận 25%, nhưng doanh nghiệp nào được hưởng chính sách khuyến khích chỉ phải nộp 10-20% trong vòng 15 năm.
Bên cạnh đó, các doanh nhân có thể được miễn giảm thuế hoàn toàn trong thời gian 2-4 năm, bắt đầu từ năm đầu tiên làm ăn có lãi và được miễn giảm 50% trong 4-9 năm tiếp theo.
Đầu tư vào những khu vực kém phát triển cũng sẽ được miễn giảm phí thuê đất trong 11 năm, trong khi các dự án lớn và một số doanh nghiệp được khuyến khích hoạt động trong các lĩnh vực như công nghệ cao, y tế và giáo dục, có thể trực tiếp đề nghị được hưởng chế độ ưu đãi theo từng trường hợp.
Một số công ty nước ngoài như Tập đoàn Formosa (vùng lãnh thổ Đài Loan) và nhà sản xuất chip nhớ điện tử Intel (Mỹ) đang được miễn thuế trong 10 năm và sau đó chỉ phải nộp mức thuế 10% trong 50 năm.
So với Thái Lan, những hạn chế tại Việt Nam là việc thiếu hạ tầng cơ sở và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước có thể sẽ làm tăng chi phí. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà môi giới, quản lý cấp cao có kỹ năng, chi phí thuê văn phòng và nhà đất cao.
Mặc dù còn có những mặt chưa thuận lợi, song Việt Nam với các chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh vẫn thu hút được một lượng vốn đầu tư khá lớn.
Chẳng hạn, Formosa đang đầu tư vào một nhà máy thép trị giá 7,9 tỷ USD ở Hà Tĩnh, đồng thời có kế hoạch xây dựng một nhà máy hóa dầu trị giá 12,4 tỷ USD, sẽ thu hút 9.000 lao động khi đi vào hoạt động./.

TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1514
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)