Ngày 25/8, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho biết, "lạc quan" nhất trong 8 tháng qua là số liệu về giải ngân vốn FDI.
|
Một góc khu công nghệ cao có vốn đầu tư nước ngoài ở TP.HCM
|
Theo ước tính, trong 8 tháng qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2008. Trong con số này, vốn từ nước ngoài khoảng 5,5 tỷ USD.
Ông Phan Hữu Thắng nhận định, với mục tiêu quan trọng nhất là giải ngân vốn FDI, mục tiêu 9 tỷ USD trong năm nay chắc chắn sẽ đạt được bởi vì thông thường những tháng cuối năm, các địa phương và doanh nghiệp thường tích cực đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Cũng trong thời gian qua, tính cả vốn cấp mới và tăng thêm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,453 tỷ USD.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, về cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong 8 tháng qua cả nước có 504 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 5,625 tỷ USD, bằng 10,8% so với cùng kỳ.
Tuy vốn đăng ký cấp mới giảm nhưng lượng vốn tăng thêm của các dự án đã đầu tư giai đoạn trước lại tăng hơn so với cùng kỳ năm 2008. Trong 8 tháng đầu năm, có 149 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 4,8 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ. "Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Cũng báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, dịch vụ lưu trú và ăn uống đang là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có gần 4,6 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm vào lĩnh vực này. Riêng cấp mới, đã có 20 dự án với tổng vốn đầu tư 755 triệu USD.
Chỉ có 3 dự án tăng vốn nhưng số vốn tăng thêm đã đạt 3,8 tỷ USD, chiếm 83,3% tổng vốn của lĩnh vực này; lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đã vượt lĩnh vực kinh doanh bất động sản và trở thành lĩnh vực có quy mô vốn đăng ký lớn thứ hai. Dự án mới được cấp phép trong lĩnh vực này là dự án sản xuất thép tại Bà Rịa-Vũng Tàu của China Steel Corp (Đài Loan-Trung Quốc) và Sumitomo Metal (Nhật Bản) với quy mô vốn đăng ký 1,15 tỷ USD.
Trong 8 tháng qua, đã có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn lần lượt là Hoa Kỳ, Đài Loan.
Do thu hút được lượng vốn lớn đổ vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, Bà Rịa-Vũng Tàu vươn lên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 6,5 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai./.