Các nền kinh tế mới nổi châu Á đang hồi phục nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Liệu châu Á có duy trì được phong độ này và có kéo được thế giới ra khỏi suy thoái hay không.
Bước tăng trưởng ấn tượng
Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng bật dậy của các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á. Sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997 - 1998, và một lần nữa sau cuộc sụp đổ các doanh nghiệp dot.com đầu năm 2001, các nhà quan sát nước ngoài đã dự báo một thời kỳ trì trệ kéo dài. Thế nhưng, các con hổ châu Á lại bật lên hết sức nhanh chóng.
Hồi đầu năm nay, ai cũng cho rằng các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ không thể hồi sinh trước khi người tiêu dùng ở các nước giàu trở lại lối sống phong lưu.
Giờ đây phương Tây vẫn còn ốm yếu với nhiều nền kinh tế tiếp tục co lại trong quý II vừa qua, và cho dù ngay cả kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng trong nửa cuối năm nay thì chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn hết sức yếu ớt. Nhưng các nền kinh tế châu Á, ngày càng ít bị ràng buộc vào thói quen mua sắm của phương Tây, thì đang tăng trưởng nhanh.
Quý II vừa qua, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm trong lúc kinh tế Mỹ giảm 1%. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia nằm trong số ít các nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Lấy kết quả quý II so với quý I/2009, người ta thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 15%, của Singapore tăng 21% và của Indonesia tăng 5%. Ngay cả nền kinh tế giàu hơn và trì trệ hơn là Nhật Bản, tuy không đạt tới con số đó, nhưng cũng có vẻ đang hồi phục nhanh hơn là các nền kinh tế lớn của phương Tây. Nhìn chung, năm nay các nền kinh tế mới nổi châu Á có thể tăng trưởng 5%, vào lúc mà khối G-7 cũ bị sụt giảm khoảng 3,5%.
Nếu tính riêng về sản lượng công nghiệp, sự tăng trưởng còn lạ lùng hơn nữa. Trong quý II, tăng trưởng công nghiệp bình quân của khu vực này là 36%/năm. Theo ngân hàng Barclays Capital, châu Á là khu vực duy nhất trên thế giới mà sản lượng công nghiệp đã trở lại với mức trước khủng hoảng.
Những kiến giải khác nhau
Thế giới đã có những cuộc thảo luận về xu hướng chuyển dịch quyền lực kinh tế từ phương Tây sang phương Đông một cách dứt khoát. Nhưng làm thế nào châu Á có được sự bật dậy ngoạn mục như vậy?
Một vài người theo chủ nghĩa hoài nghi ở phương Tây cho rằng, đây chỉ là trò lập lờ đánh lận con đen. Họ cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc lại là một trò dối trá mới.
Số liệu từ đất nước này rõ ràng là không đáng tin cậy, nhưng có những chỉ dấu khác, ít có khả năng chỉnh sửa hơn, khẳng định rằng kinh tế Trung Quốc đang bật dậy mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp tăng 11% trong bảy tháng đầu năm; sản lượng điện bị sụt giảm thê thảm năm ngoái nay đã tăng trở lại và lượng xe hơi bán ra nhiều hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và chắc chắn không có chuyện toàn châu Á tham gia vào trò gian lận số liệu thống kê. GDP của Hàn Quốc trong quý II tăng ở mức 10%/năm. Đài Loan có thể tăng nhiều hơn khi sản lượng công nghiệp của xứ này tăng với mức đáng kinh ngạc là 89%/năm.
Ấn Độ là nước bị thiệt hại từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ít hơn các lân bang vì Ấn Độ xuất khẩu ít, nhưng sản xuất công nghiệp của nước này đầy sức sống, với mức tăng 14%/năm trong quý II/2009.
Sản lượng của hầu hết các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á tuy vẫn còn thấp hơn năm ngoái vì bị suy thoái trầm trọng trong nửa cuối năm 2008, nhưng để theo dõi những biến chuyển kinh tế, phải đối chiếu những thay đổi trong từng quý.
Có người cho rằng, sự bật dậy này chỉ là tạm thời khi kinh tế suy thoái các doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất để tiêu thụ hàng tồn kho, nay họ phải tăng sản xuất để bù lại, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế không tăng nhiều.
Điều này có thể đúng ở một vài nơi nhưng không đúng cho toàn bộ các nền kinh tế mới nổi châu Á. Cách giải thích hợp lý hơn là tăng trưởng của châu Á hiện đang được thúc đẩy bởi đầu tư và tiêu dùng. Hàn Quốc chẳng hạn, trong quý II tiêu dùng tư nhân tăng 14%/năm; ở Trung Quốc đầu tư vào tài sản cố định tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi tiêu dùng ở vùng đô thị tăng 11%.
Bốn nguyên nhân cơ bản
Sự bật dậy của châu Á có nhiều nguyên nhân. Trước tiên, sản xuất công nghiệp giữ vai trò lớn trong nhiều nền kinh tế địa phương, và các ngành công nghiệp như xe hơi và hàng điện tử mang tính chu kỳ rất cao, sản lượng giảm mạnh trong thời suy thoái và tăng nhanh khi kinh tế đi lên.
Hai là, sự suy giảm xuất khẩu của khu vực này vào cuối năm ngoái bị làm trầm trọng thêm bởi sự đóng băng của hoạt động tài trợ thương mại toàn cầu mà hiện nay dòng vốn này đã lưu chuyển trở lại.
Thứ ba và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, là tiêu dùng nội địa đã bật dậy nhờ những gói kích cầu tiền tệ ở khu vực này lớn hơn và nhanh hơn ở phương Tây. Ngoại trừ Ấn Độ, các nền kinh tế châu Á bước vào cuộc suy thoái toàn cầu với tình hình ngân sách chính phủ lành mạnh hơn nhiều so với phương Tây, cho phép họ chi tiêu nhiều hơn.
Chưa nói tới Trung Quốc với kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, chính quyền Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan đều đã đưa ra những gói kích cầu có giá trị không dưới 4% GDP.
Kích cầu mạnh như vậy, song theo số liệu của ngân hàng Bank of America, đến cuối năm nay nợ công của châu Á chỉ vào khoảng 45% GDP, chưa bằng một nửa của các nước phát triển. Nợ của khu vực tư nhân ở mức thấp giúp cho hộ gia đình và doanh nghiệp dễ dàng chi tiêu các khoản trợ cấp của chính phủ; các ngân hàng châu Á cũng có cơ cấu tốt hơn các đồng sự ở phương Tây và có khả năng cho vay nhiều hơn.
Trong thực tế, chính các biện pháp nới lỏng tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho cá nhân và doanh nghiệp đã có tác dụng kích cầu lớn hơn sự chi tiêu trực tiếp của chính phủ. Sự thận trọng của châu Á trong suốt một thập niên qua không đủ làm cho khu vực này tránh khỏi cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng ít ra cũng giúp cho những vũ khí tiền tệ và tài khóa của họ trở nên hữu hiệu hơn.
Kéo thế giới ra khỏi khủng hoảng
Sự bật dậy mạnh mẽ của châu Á có đưa được thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay hay không? Chắc chắn là những kẻ muốn lấy lòng dân chúng ở phương Tây một lần nữa sẽ cố quy trách nhiệm về hoạt động trì trệ của mình cho một châu Á chơi “không đẹp” và từ đó hoài nghi về khả năng và tác động của châu Á.
Tuy vậy, mức tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế mới nổi châu Á lên tới 8%/năm suốt hai thập niên qua, cao gấp ba lần mức tăng trưởng của các nước giàu, đã mang lại những lợi ích khổng lồ cho phần còn lại của thế giới.
Sự bật dậy của châu Á hiện nay càng tỏ ra ích lợi hơn nữa khi các nền kinh tế phương Tây vẫn đang biến chuyển một cách chậm chạp. Châu Á không thể thay thế người tiêu dùng M khi tổng lượng tiêu dùng của các nền kinh tế mới nổi châu Á chỉ bằng hai phần năm của Mỹ.
Nhưng chính sự tăng trưởng tiêu dùng mới thực là vấn đề. Tính theo đồng đôla Mỹ, sự gia tăng tiêu dùng của các nền kinh tế mới nổi châu Á trong năm nay sẽ thừa đủ để bù lại sự sút giảm tiêu dùng ở Mỹ và ở khối đồng euro châu Âu. Sự chuyển dịch về tiêu dùng từ Tây sang Đông sẽ góp phần tái cân bằng nền kinh tế thế giới.
Cảnh giác với thói tự mãn
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng những gói chi tiêu của chính phủ là chuyện dễ. Nhưng các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đang phải đối mặt với hai vấn đề nan giải. Trước mắt là làm sao duy trì sự phục hồi kinh tế mà không gây ra bong bóng giá tài sản và tín dụng. Giá cổ phiếu và thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia nơi đây đã bắt đầu căng phồng.
Nhưng sự miễn cưỡng của các nhà hoạch định chính sách trong việc không để cho đồng bạc tăng giá nhanh hơn so với đôla Mỹ, có nghĩa là chính sách tiền tệ của họ, trên thực tế, bị ấn định bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và do đó là quá lỏng lẻo trong khi nền kinh tế của họ có sức sống mạnh mẽ hơn.
Thách thức về lâu dài nằm ở chỗ, một khi tác động của các gói kích cầu của chính phủ phai nhạt, tăng trưởng sẽ chậm lại, trừ phi những cuộc cải cách kinh tế được đẩy mạnh để thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, một điều mà Nhật Bản trước đây đã không làm được.
Một phần giải pháp cho cả hai vấn đề này - tránh tình trạng bong bóng và củng cố tiêu dùng nội địa, là cho phép tỷ giá hối đoái được tăng lên. Nếu các ngân hàng trung ương châu Á ngừng việc tích lũy ngoại tệ dự trữ để kìm giá đồng tiền bản địa, tính thanh khoản nội địa sẽ được kiểm soát. Một đồng tiền mạnh hơn sẽ giúp chuyển dịch nền kinh tế từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa và gia tăng sức mua thực của các hộ gia đình.
Điều đó cũng giúp tránh được những biện pháp bảo hộ ở thị trường phương Tây. Sự tự mãn là mối lo lớn. Khi khoảng cách về mức tăng trưởng giữa các nền kinh tế mới nổi châu Á và các nền kinh tế phát triển đang tiến dần tới kỷ lục là 9% trong năm nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh cáo nước Mỹ về chính sách tiền tệ lỏng lẻo của nước này, trong lúc Washington đã không còn lên lớp Trung Quốc về chuyện đồng nhân dân tệ bị định giá quá thấp.
Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu sự phục hồi kinh tế của châu Á làm cho các chính trị gia đi tới kết luận rằng, không cần phải thay đổi chính sách tỷ giá hoặc thực thi những cuộc cải tổ cơ cấu để thúc đẩy tiêu dùng. Sự bật dậy nhanh hơn dự tính của các con hổ châu Á từ cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 đã khuyến khích tính kiêu căng và làm trì hoãn những cuộc cải tổ cần thiết.
Điều đó đã làm cho các nền kinh tế này dễ bị tổn thương hơn trong các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2001 và hiện nay. Hãy làm sao bảo đảm sự bật dậy mới mẻ hôm nay sẽ không kéo theo một sự sụp đổ khác./.