Các chuyên gia kinh tế và đại diện của nhiều doanh nghiệp khẳng định, các nhà bán lẻ trên thế giới đều đang đối mặt với những quyết định khó khăn song cơ hội tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất lớn và tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2010, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
|
Mua sắm tại siêu thị Big C
|
Phát biểu tại Diễn đàn Thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam: Tiềm năng-Hợp tác-Phát triển tổ chức ngày 22/1 tại Hà Nội, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh, trong khi thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thì cộng đồng bán lẻ Việt Nam sẵn sàng hợp tác để mở cửa hội nhập và cạnh tranh bình đẳng trong môi trường bán lẻ đa dạng, nhiều thay đổi và biến động để nâng tầm của Việt Nam trên bản đồ thế giới về dịch vụ bán lẻ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, sau một năm tiếp tục lộ trình mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt qua suy thoái với con số ấn tượng. Doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 18,6% so với năm 2008, trong khi nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU tăng trưởng âm. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng trưởng vẫn đạt gần 12%, tuy giảm so với năm 2008, nhưng trong bối cảnh chung mức tăng này vẫn rất ngoạn mục và đáng khích lệ.
Trên đà khởi sắc của thị trường tiêu dùng nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng trên 20% trong năm 2010. Dựa vào triển vọng này, Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu RNCOS (Mỹ) cũng dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt doanh số 85 tỷ USD vào năm 2012.
Theo ông Richard Leech, Giám đốc Công ty CB Richard Ellis Việt Nam, mặc dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu song năm vừa qua thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn xuất hiện nhiều thương hiệu quốc tế mới như Naf Naf, Morgan de Toi, Mexx, Aldo, Hard Rock Café, Debenhams. Điều này cho thấy chắc chắn trong năm 2010 sẽ có thêm nhiều nhà bán lẻ cao cấp nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Đại diện của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết mục tiêu đến năm 2015, Hapro sẽ trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hệ thống 2 đại siêu thị, 5 trung tâm thương mại, 60 siêu thị, 30 cửa hàng tiện ích mang thương hiệu HaproMart, 213 cửa hàng, điểm kinh doanh rau và thực phẩm an toàn HaproFood, 300 cửa hàng chuyên doanh và 1 hệ thống tổng kho, kho hàng hóa, dịch vụ hậu cần logistics.
Để phát triển thị trường bán lẻ bền vững, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, các doanh nghiệp bán lẻ cần vượt qua thách thức, phát huy mọi nguồn lực sau khủng hoảng, liên kết giữa các nhà bán lẻ và nhà sản xuất để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và toàn xã hội.
Đồng quan điểm này, đại diện của Big C cho biết, Big C đã có bộ phận quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ phận này thường xuyên làm việc với các nhà cung cấp để có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào của sản phẩm./.