Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ Việt Nam những chính sách liên quan đến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần đảm bảo ổn định nền kinh tế, phục hồi đà tăng trưởng.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Giám đốc điều hành IMF Naoyuki Shinohara
|
Trong buổi tiếp kiến Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chiều ngày 7/4, tại Nha Trang (Khánh Hòa) nhân dịp diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 14, Phó Giám đốc điều hành IMF Naoyuki Shinohara bày tỏ vui mừng khi nhận thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn vận hành khá tốt trong giai đoạn khủng hoảng.
Ông cho rằng, Chính phủ Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng, là cầu nối hiệu quả trong mối quan hệ giữa Việt Nam với IMF cũng như giữa IMF với các nước trong khu vực.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam và IMF đã thiết lập mối quan hệ từ những năm 1990 trở lại đây. Sự giúp đỡ của IMF trong suốt thời gian qua và nhất là trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp Việt Nam kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, trong đó thành công nhất là giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng.
“Những khoản vốn ODA của các ngân hàng, tổ chức quốc tế, trong đó có IMF vàChính phủ Nhật Bản đã giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo… Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu. FDI tăng trưởng mạnh trong thời gian qua cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam đang ngày một cải thiện”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc Việt Nam đang nỗ lực giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế, các vấn liên quan đến hạ tầng cơ sở, tăng đầu tư cho giáo dục, y tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xóa đói giảm nghèo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện có 3 yếu tố hạn chế sự phát triển của Việt Nam, đó là: Nền kinh tế thị trường chưa được hoàn thiện; cải cách hành chính, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Do đó, Phó Thủ tướng mong muốn, IMF sẽ có những đóng góp tích cực trong việc tư vấn chính sách kinh tế tài chính vĩ mô cần thiết cũng như giúp đỡ Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ông Naoyuki Shinohara cho biết, IMF sẽ làm hết sức mình, sẵn sàng tư vấn cho Việt Nam những chính sách liên quan đến kinh tế vĩ mô, nhằm góp phần đảm bảo ổn định nền kinh tế, phục hồi đà tăng trưởng; thường xuyên trao đổi thông tin với Chính phủ Việt Nam.
Nhận định tình hình thế giới trong thời gian tới, ông Naoyuki cho rằng, các nước phát triển đang trong quá trình phục hồi tuy nhiên tôc độ phục hồi vẫn chậmvà phải mất thời gian dài mới trở lại mức tăng trưởng cao.
“Một số nước đang phát triển trong khu vực đó có Việt Nam đi đầu trong phục hồi kinh tế, đây là kinh nghiệm độc đáo.”, ông Naoyuki Shinohara nói. Tuy nhiên, ông Naoyuki Shinohara cũng lưu ý, cần phải chủ động và luôn sẵn sàng ứng phó với những biến động có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. /.
Kiều Liên
Cổng thông tin điện tử Chính phủ