Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/02/2010-09:14:00 AM
WEF-40: Hợp tác đối phó với các vấn đề thời đại
Hội nghị thường niên lần thứ 40 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã bế mạc ngày 31/1 sau một loạt cuộc thảo luận về các vấn đề toàn cầu. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 2.500 đại biểu gồm lãnh đạo của hơn 90 nước, đại diện chính phủ, giới doanh nhân, học giả, các tổ chức dân sự và truyền thông, trong đó có hơn 30 vị đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể với chủđề"Tái định hình nền quản trị toàn cầu"

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã vượt qua thời điểm tồi tệ nhất, Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề “Cải thiện thực trạng thế giới: Cùng suy nghĩ lại, Tái thiết và Tái xây dựng” nhằm củng cố các nền kinh tế, giảm bớt các nguy cơ toàn cầu, đảm bảo phát triển bền vững, tăng cường an ninh, tạo ra một khuôn khổ các giá trị, xây dựng các thể chế hiệu quả.
Trong năm ngày hội nghị (từ 27-31/1), hơn 200 phiên họp đã tập trung vào việc phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng, cải thiện các quy định tài chính, vấn đề biến đổi khí hậu và công cuộc tái thiết đất nước Haiti bị tàn phá sau động đất. Trong khi thừa nhận khó khăn trong tìm kiếm đồng thuận về các vấn đề toàn cầu như quy chế tài chính hay biến đổi khí hậu, nhiều đại biểu tham dự đã nêu bật tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác để giải quyết các vấn đề này.
Trong phiên họp cuối, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn đã đề nghị thành lập Quỹ Xanh, trị giá 100 tỷ USD/năm, nhằm giúp các nước giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu. TheoôngStrauss-Kahn, các quốc gia đang phát triển bị hạn chế về tài chính dành cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu do đang phải dồn tiền để chống chọi lại khủng hoảng kinh tế. Ông nhấn mạnh: "Mô hình tăng trưởng mới sẽ là giảm tỷ lệ thải khí cácbon và nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu không thể bị cản trở chỉ vì thiếu tài chính".
Theo ông Strauss-Kahn, bức tranh kinh tế thế giới đã sáng sủa hơn, khi châu Á dẫn đầu nhóm các nước nổi lên sau cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức hai con số.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ còn chìm trong thất nghiệp và khu vực đồng euro đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ nhà nước, sự phục hồi này là mong manh. Ông đề nghị cải tổ mạnh mẽ khu vực tài chính, nhưng thừa nhận đây sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với thế giới, đòi hỏi phải mất từ 5-7 năm mới giải quyết được, tùy theo tình hình ở mỗi nước.
Tổng Giám đốc IMF cho rằng các biện pháp cải tổ phải táo bạo, nhưng phải được phối hợp trên toàn cầu nhằm tránh gây hậu quả cho bất kỳ quốc gia nào. Ông cũng khuyến cáo các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới nên thận trọng khi áp dụng các chiến lược thoát hiểm, nhấn mạnh rằng việc ngừng các gói kích thích kinh tế quá sớm có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng kép, nhưng ngừng quá muộn cũng sẽ chất nặng thêm gánh nợ lên các chính phủ. Nhiều đại biểu khác cũng cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kép sau thời kỳ thoát hiểm.
Đề cập giải pháp đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, nước đăng cai Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) sẽ diễn ra vào tháng 11/2010, cho rằng các chính phủ đã đóng vai trò hàng đầu trong việc khắc phục khủng hoảng thông qua việc mở rộng chi tiêu, nhưng khu vực tư nhân vẫn cần nhận "chiếc gậy" tiếp sức từ các chính phủ vì sự tăng trưởng bền vững.
Về vấn đề bảo vệ môi trường và ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất, các nhà lãnh đạo cho rằng thế giới vẫn thiếu khoảng 350 tỷ USD đầu tư cho phát triển năng lượng sạch. Theo báo cáo "Đầu tư Xanh: Hướng tới cơ sở hạ tầng có khí thải CO2 thấp" công bố tại hội nghị WEF, mỗi năm thế giới cần đầu tư khoảng 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng có khí thải CO2 thấp - nhân tố cần thiết để hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ C.
Theo số liệu thống kê, năm 2009, thế giới chỉ đầu tư 145 tỷ USD cho phát triển năng lượng sạch, giảm 6% so với năm 2008, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, Thoả thuận Copenhagen mà các nước đạt được tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu hồi cuối năm ngoái chỉ đề cập cam kết của các nước phát triển đầu tư 100 tỷ USD vào các nước đang phát triển.
WEF cho rằng để có được nguồn tài chính bù đắp phần thiếu hụt trên cần ban hành các cơ chế chính sách phù hợp. Báo cáo của WEF cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách bộ công cụ gồm 35 cơ chế chính sách khác nhau có thể được sử dụng để thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN 2010, đồng thời là chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2010, sự tham gia của Việt Nam được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị WEF Davos năm nay. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại bốn phiên toàn thể quan trọng của Hội nghị về các chủ đề: Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn, Tái định hình nền quản trị toàn cầu, An ninh lương thực và Cộng đồng Đông Á./.
Nguyễn Chiến
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 750
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)