Bridas Corp., một liên doanh dầu khí của Trung Quốc và Argentina, vừa đồng ý chi 7,06 tỷ USD, mua lại 60% cổ phần của tập đoàn BP trong Pan American Energy (PAE), hãng sản xuất dầu lớn thứ hai của Argentina.
|
Các hãng dầu Trung Quốc tăng cường mở rộng liên doanh với nước ngoài
|
Bridas là liên doanh giữa Tập đoàn Dầu mỏ Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Bridas Energy Holdings của gia đình tỷ phú Bulgheroni (Argentina). Hồi tháng 3 năm 2010, CNOOC đã mua lại 50% cổ phần trong Bridas Corp, với giá 3,1 tỷ USD.
Với trữ lượng 636 triệu thùng dầu và hoạt động sản xuất trải khắp Argentina, Bolivia và Chile, theo Chủ tịch CNOOC Yang Hua, Bridas Corp sẽ là chìa khóa mở cửa giúp CNOOC bước chân vào thị trường châu Mỹ Latinh.
Sau khi mua lại cổ phần của Bridas, CNOOC đã trở thành đối tác của BP trong PAE, công ty mà Bridas nắm giữ 40% cổ phần. PAE là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Argentina với sản lượng gần 230.000 thùng dầu mỗi ngày trong năm 2008.
Đây là động thái bán tài sản mới nhất của BP nhằm có kinh phí giải quyết thảm họa dầu tràn trên vịnh Mexco hồi tháng 4. Theo AP, với thỏa thuận trên, BP đã bán lượng tài sản trị giá 20 tỷ USD kể từ khi xảy ra vụ tràn dầu lịch sử.
Sự cố đáng tiếc này đã khiến BP phải đặt mục tiêu bán 30 tỷ USD tài sản trong thời gian đến cuối năm 2011.
Trước khi đạt thỏa thuận bán PAE cho Bridas, BP đã thu về 14 tỷ USD từ các thỏa thuận bán tài sản dầu khí ở Bắc Mỹ, Ai Cập, Venezuela, Việt Nam và Columbia.
BP dự báo, chi phí để khắc phục vụ tràn dầu được coi là lớn nhất trong lịch sử trên sẽ lên tới 40 tỷ USD. Đầu tháng này, BP tuyên bố khoản chi phí bổ sung 7,7 tỷ USD ngoài khoản 32,2 tỷ USD công bố hồi quý 2. Trong số chi phí này, có 20 tỷ USD cho quỹ bồi thường. Vì thảm họa tràn dầu mà BP đã lần đầu tiên chứng kiến thua lỗ sau 18 năm.
Cổ phần của BP tại PAE là một trong những tài sản đáng giá nhất của tập đoàn này tại khu vực Mỹ Latin. Mặc dù việc đầu tư vào sản xuất và khai thác bị đình đốn tại Argentina, nhưng dự trữ và sản lượng của PAE lại tăng lên trong thập kỷ qua.
Giới phân tích Argentina cho rằng, giá trị của hãng năng lượng lớn thứ hai nước này có thể lên tới 20 tỷ USD, và các quy định về thuế có thể khiến cho CNOOC khó có thể mua thêm nhiều tài sản tại đây.
Theo tuyên bố đưa ra ngày 28/11, CNOOC cho biết, thương vụ mua lại 60% cổ phần của BP tại PAE sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm tới. Việc mua thêm cổ phần của BP đánh dấu một bước tiến lớn về quá trình mở rộng thị trường của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Những năm gần đây, được sự hậu thuẫn của chính phủ, các công ty dầu mỏ của Trung Quốc ráo riết tìm kiếm cơ hội tham gia vào các hoạt động khai thác, thăm dò, sản xuất dầu khắp mọi nơi trên thế giới.
Trước đây, CNOOC đã không thể tham gia mua cổ phần trong một số liên doanh dầu khí, như tham gia khai thác các mỏ dầu ngoài khơi của Angola và của Gana. Tuy nhiên, CNOOC có vẻ thành công hơn tại Uganda.
Nhà tư vấn năng lượng Francisco Mezzadri nhận định, sở dĩ Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài là bởi họ đang tìm kiếm vị trí của mình tại những nơi, mà họ tin rằng sẽ là các nguồn cung cấp năng lượng trong tương lai cho Trung Quốc.
Mới đây nhất, hôm 24/11, tờ Financial Times cho hay, tập đoàn quốc doanh National Petroleum Corp. (CNPC) của Trung Quốc vừa trúng thầu dự án mở rộng một nhà máy lọc dầu ở Cuba, trị giá lên tới 6 tỷ USD. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất từ trước tới nay tại Cuba.
Tờ Financial Times cho biết, nhà máy lọc dầu nói trên thuộc quyền đồng sở hữu của công ty quốc doanh Cubapetroleo (CUPET) và Petroleos de Venezuela (PDVSA). Nhà máy này nằm ở khu vực bờ biển phía nam thủ đô Havana của Cuba, đồng thời là một phần trong nỗ lực thăm dò dầu trên biển của nước này.
Dự kiến, sau khi được mở rộng, nhà máy sẽ có công suất lọc 150.000 thùng dầu mỗi ngày, từ mức 65.000 thùng/ngày hiện nay. Ngoài ra, dự án mở rộng còn đưa nhà máy này trở thành một khu liên hợp hóa dầu và cảng khí hóa lỏng./.
Diệp Anh - An Huy
VnEconomy