Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/11/2010-10:37:00 AM
Phát huy sức mạnh toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng phải trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là biết dựa vào dân và người đứng đầu các cấp dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng

Ngày 30/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước.
7 giải pháp chủ yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.

Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu kết luận Hội nghị

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng chưa trở thành hành động tự giác ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở và toàn xã hội.
Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa thể hiện đầy đủ so với yêu cầu của công tác này. Chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ. Năng lực và sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế. Có tình trạng né tránh, nể nang nên không chủ động tự phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, đơn vị mình.
Để thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, đồng chí Trương Tấn Sang đã nêu lên 7 giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đó là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng, gắn liền với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đi liền với hành động và việc làm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị.
Xác định đúng vị trí, vai trò của công tác phòng chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, không để vì sơ hở của thể chế mà tham nhũng có cơ hội phát triển. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập và minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Quy chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình phụ trách.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác này của các cơ quan chức năng. Phải xác định rõ nguyên nhân vì sao việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn chậm, chưa đúng với tình hình tham nhũng đang diễn ra.
Hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Cần đánh giá về mô hình hoạt động và kiến nghị cụ thể để điều chỉnh các quy định cho phù hợp.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng phát biểu tại Hội nghị

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và phải trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là biết dựa vào dân và người đứng đầu các cấp dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng.
Sau Đại hội XI của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp báo cáo và kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đưa vào chương trình toàn khóa nội dung tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiềubất cập. “Trong công tác này, giữa quyết tâm chính trị và hành động thực tiễn vẫn còn khoảng cách”.
Đồng chí cho rằng, phải lựa chọn đúng việc trọng tâm, then chốt để thực hiện, tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng, tạo đà cho những năm tiếp theo, củng cố lòng tin của nhân dân.
Mặc dù có nhiều cố gắng, quyết tâm những đến nay công tác phòng chống tham nhũng chưa tạo được chuyển biến có tính cơ bản, tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều hạn chế và yếu kém chậm được khắc phục. Tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) đã đề ra, tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc và mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Khắc phục các lỗ hổng dễ nảy sinh tham nhũng
Thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vẫn diễn biến nóng bỏng, phức tạp trong tất các công đoạn từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Nguyên nhân của tình trạng này là văn bản pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ nên vẫn còn sơ hở dễ nảy sinh tiêu cực. Việc giao đất, cho thuê đất ở một số địa phương còn chưa làm đúng trình tự, quy định nên gây tham nhũng.
Giải đáp băn khoăn về tình trạng nhiều “án treo” hiện nay, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho hay, việc thực hiện cho hưởng án treo đối với tội phạm trong vụ án tham nhũng là một thực tế bởi đa số đối tượng là người thừa hành, giúp sức chứ không hẳn là chủ mưu.
“Liên quan đến tội phạm tham nhũng là đảng viên cần có áp dụng biện pháp đặc biệt để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, tránh trường hợp để lâu thì tội phạm này đã kịp che chắn hành vi của mình”, Chánh án Trương Hòa Bình kiến nghị.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa được như mong muốn.
Nguyên nhân của thực trạng này, có phần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa thực sự nghiêm túc. Cơ chế chính sách còn nhiều lỗ hổng, sơ hở nên dễ xảy ra tham nhũng.
Đề cập đến đơn thư tố cáo nặc danh hiện nay, Phó Chủ nhiệm Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, nếu nội dung tố cáo có chứng cứ cụ thể, giấy tờ tài liệu liên quan chứng minh thì vẫn được Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành xác minh, xem xét đảng viên có dấu hiệu vi phạm hay không./.
    Tổng số lượt xem: 1233
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)