Ngày 2/2, kết thúc chuyến thăm thị sát 8 ngày tới các nước châu Phi, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert B. Zoellick nhận định các cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiên liệu và lương thực toàn cầu sẽ còn tác động dai dẳng ở "lục địa Đen" trong một thời gian dài nữa.
Ông nhấn mạnh những tiến bộ kinh tế của châu Phi trong 2 thập kỷ qua là đáng ghi nhận nhưng rất mong manh và những người nghèo ở châu Phi vẫn dễ bị tổn thương trước mọi biến động kinh tế.
Vì vậy, nỗ lực quốc tế giúp châu Phi duy trì động lực bảo vệ họ, trong khi đặt nền tảng để châu Phi phát triển và tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.
Tiến trình này thành công tùy thuộc vào việc hỗ trợ châu Phi trở thành địa chỉ hấp dẫn đầu tư, cùng sự hỗ trợ thích hợp của các nhà tài trợ đối với các nước châu Phi, đặc biệt là các nước vừa thoát khỏi xung đột.
WB cam kết cùng với các đối tác khác tại Liên hợp quốc hỗ trợ các nước châu Phi tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, buôn bán để tăng thị phần thương mại của châu lục này, thúc đẩy hội nhập khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng, vận tải và thủy lợi để phát triển nông nghiệp và chế tạo.
Ngân hàng này và hãng phần mềm khổng lồ Microsoft của Mỹ đã ký thỏa thuận giúp châu Phi theo kịp đà phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là tăng cường sự tiếp cận công nghệ thông tin của các công ty vừa và nhỏ ở châu Phi, hỗ trợ chuyển các khoản tiền hợp pháp của người lao động châu Phi ở nước ngoài về quê hương họ.
Đồng thời, WB cũng tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến của châu Phi nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tận dụng các điều kiện thuận lợi của nền kinh tế thế giới đang phục hồi.
Bên cạnh đó, Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc Nhóm WB đã cam kết dành 7,8 tỷ USD cho vạy, đầu tư, hỗ trợ không hoàn lại... cho các nước khu vực Cận Sahara châu Phi, trong khi Công ty tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm WB cũng tăng cam kết tài chính dành cho châu Phi từ mức 445 triệu USD lên 1,82 tỷ USD, cùng 200 triệu USD thành lập Quỹ cấp vốn cho châu Phi./.