Trong bảng xếp hạng 55 hệ thống tài chính và thị trường hàng đầu thế giới do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện, Australia đã từ vị trí 11 vươn lên thứ hai sau Anh, trong khi Mỹ tụt xuống đứng thứ ba.
|
Cảng Sydney- biểu tượng của Australia.
|
Danh sách xếp hạng này dựa trên hơn 120 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về môi trường pháp luật và kinh doanh, tình trạng ổn định tài chính, quy mô thị trường vốn.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến phần lớn các nước bị mất điểm đáng kể, nhưng Australia là trường hợp ngoại lệ.
Ông James Bilodeau, một trong những tác giả của cuộc khảo sát cho biết, Australia là nước duy nhất trong 10 nước đứng đầu danh sách có những biến chuyển tích cực về tổng điểm xếp loại. Theo ông, rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Australia đã hoạt động tốt.
Xét về khía cạnh bình ổn tài chính, đất nước này vẫn còn một số khó khăn nhưng hệ thống ngân hàng lại khá mạnh. Điều này được thể hiện rõ qua sự sụt giảm các khoản nợ quốc gia và sự vững mạnh trong các lĩnh vực kinh tế khác.
Một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Australia vững mạnh là vì nước này không bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính như những nước khác. Australia đã đạt chỉ tiêu về bình ổn tài chính.
Nếu chỉ xét trên phương diện bình ổn tài chính, cả Mỹ và Anh đều mất điểm xếp hạng. Anh đứng thứ 37 và Mỹ đứng thứ 38 trong số 55 nước được bình chọn. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh ở Australia trong tháng 9 cũng đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Theo ông Richard Cookson, Trưởng bộ phận đầu tư toàn cầu của Ngân hàng HSBC, các nhà đầu tư nên chọn Australia bởi tỉ lệ thất nghiệp thấp. Hơn nữa, đồng đôla Australia đang tăng giá và tác động tích cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Cookson cũng cho rằng Australia là thị trường rất tốt để đầu tư, xét cả về khía cạnh đầu tư cổ phiếu và trái phiếu./.