Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/10/2009-13:57:00 PM
Tìm mô hình giám sát tài chính vĩ mô cho Việt Nam
“Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn trong 12 tháng qua một cách thành công”. Đây là quan điểm của bà Maeve Collins, Đại sứ Ireland, được rất nhiều đại biểu đồng tình tại hội thảo “Khủng hoảng tài chính và vấn đề giám sát an toàn vĩ mô” do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia và Đại sứ quán Ireland tổ chức ngày 15/10/2009.

Ông Lê Đức Thúy phát biểu

Mô hình giám sát tài chính vĩ mô cho Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ nổ ra các cuộc khủng hoảng tương lai là vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu quan tâm tại thảo luận này.
Kinh nghiệm quốc tế
Các đại biểu thống nhất rằng việc quá đề cao “kỷ luật thị trường” trong khi lơ là, sao nhãng hoặc không chú trọng đúng mức tới vai trò điều tiết và giám sát của nhà nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu hiện nay.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) cho rằng việc quản lý chặt chẽ từng định chế tài chính, bảo đảm cho chúng an toàn (giám sát vi mô) không phải là điều kiện cần và đủ để duy trì được cả hệ thống tài chính lành mạnh. Chính từ cuộc khủng hoảng hiện nay, thế giới đã nhận ra sự thiếu vắng của “giám sát an toàn vĩ mô” và lỗ hổng này đang được các quốc gia, khu vực hay các định chế tích cực lấp đầy.
Sắp tới, Ủy ban châu Âu sẽ thành lập một thể chế giám sát tài chính mới, trong đó có Hội đồng Rủi ro hệ thống (ESRC – giám sát cấp độ vĩ mô). Ông Alain cho hay, ESRC hoạt động độc lập nhưng không phải là một cơ quan quyền lực, mà quyền lực của cơ quan này sẽ thể hiện qua chất lượng cũng như giá trị của các đánh giá, cảnh báo và giải pháp của nó.
Trong khi đó, đại diện Cơ quan giám sát tài chính Ireland, bà Elaine Byrne lại nhấn mạnh rằng bất kỳ một hệ thống điều chỉnh nào cũng phải đối mặt với các nguy cơ, như các hành vi không trung thực, sự câu kết nhằm che đậy thông tin, và tác động của những sự kiện toàn cầu ngoài khả năng của hệ thống…
Đến từ Ngân hàng Trung ương Ireland, ông Peter Charleton cho rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay đã bác bỏ quan điểm rằng các ngân hàng trung ương chỉ cần ổn định giá cả. Ông Peter nhấn mạnh, ngân hàng trung ương cùng cơ quan giám sát cần đặt mục tiêu ổn định thị trường tài chính, hay nói một cách hình ảnh là phải đóng vai “kẻ phá hỏng bữa tiệc” ngay khi nền kinh tế còn thịnh vượng và tăng trưởng.
Về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến ổn định tài chính vĩ mô, đại diện Eurocham cho hay, có 2 phương án đang được thế giới áp dụng: Hoặc ký kết và cam kết thực hiện văn kiện ghi nhớ tay ba giữa Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính, cơ quan giám sát vĩ mô; hoặc thành lập một hội đồng với các thành viên đến từ 3 cơ quan trên và một số chuyên gia khác. Mô hình thứ nhất hiện đang được dùng ở Anh, Pháp, Canada…, còn mô hình thứ hai được Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Romania và tới đây có thể có thêm Anh, Mỹ, EU sử dụng.

Ông Lê Xuân Nghĩa phát biểu

Mô hình nào cho Việt Nam?
Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến mới về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát tài chính, như Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Chứng khoán 2006,… Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã được thành lập từ tháng 3/2009, trước khi khủng hoảng toàn cầu nổ ra.
Tuy nhiên, ông Ngoạn cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, việc tách bạch rõ ràng các khái niệm giám sát, kiểm tra, thanh tra vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Điều này dẫn đến sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ giám sát, thanh tra của nhiều cơ quan. Và trong chừng mực nào đó “giám sát vĩ mô vẫn chưa được coi trọng đúng mức”, ông Ngoạn nói.
Theo ông Ngoạn, để trả lời câu hỏi Việt Nam nên theo mô hình “giám sát hợp nhất” hay “giám sát chuyên ngành”, cần xem xét hàng loạt vấn đề như khả năng cung cấp thông tin, khả năng quản trị của doanh nghiệp, nguồn lực và khả năng phối hợp của (các) cơ quan giám sát.
Việt Nam nên có một cơ quan độc lập do một Phó Thủ tướng thường trực chỉ đạo để giám sát, và nên thành lập một Hội đồng giám sát (bao gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Ủy ban giám sát) nhằm cải thiện quan hệ phối kết hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan. Nghĩa là Việt Nam nên “tiến tới mô hình giám sát hợp nhất trong tương lai”, ông Ngoạn nêu ý kiến.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhắc lại rằng hiện Việt Nam đang thực hiện mô hình trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, giám sát cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thị trường tài chính và hạ tầng kỹ thuật (pháp lý) cho hoạt động tài chính…
Nhắc lại vấn đề thế giới đã “sao nhãng” giám sát vĩ mô, ông Nghĩa cho biết, Ủy ban Giám sát của Việt Nam tập trung hoàn toàn vào việc này. “Chúng tôi giám sát từ xa, trên cơ sở rủi ro của cả hệ thống. Còn việc giám sát tại chỗ, đưa ra khuyến nghị với từng tổ chức tài chính, đó là việc của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan của Bộ Tài chính”, ông Nghĩa phát biểu.
Ông Nghĩa cũng cho hay, Ủy ban sắp hoàn thành báo cáo giám sát tài chính quốc gia đầu tiên, một bức tranh tương đối có chất lượng về hệ thống tài chính để trìnhThủ tướng. /.
Một số khuyến nghị của Hội thảo với Việt Nam:
- Phân định rành mạch hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước (bao gồm cả Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng), Bộ Tài chính (bao gồm UB Chứng khoán), Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
- Tạo vị thế tương xứng và cung cấp đủ nguồn lực, trao đủ quyền lực cần thiết cho Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia với tư cách là Cơ quan chịu trách nhiệm giám sát an toàn vĩ mô toàn hệ thống tài chính…
- Thiết lập cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Bộ Tài chính.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1280
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)