Ngày 11/6, tân Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã cảnh báo về khả năng Nhật Bản có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công giống như Hy Lạp nếu nước này không nhanh chóng xử lý các khoản nợ công đang ngày càng phình to.
Trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Kan nhấn mạnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này không thể tiếp tục dựa vào việc phát hành trái phiếu để trả các khoản nợ khi quy mô ngân sách của nước này ngày càng thu hẹp trong bối cảnh dân số giảm và lão hóa.
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Kan, người đã giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong nội các của người tiền nhiệm Yukio Hatoyama, cho biết Chính phủ mới cần tiến hành cải cách triệt để nhằm khôi phục sự lành mạnh về tài chính, đồng thời tiến hành cải cách thuế và loại bỏ các khoản chi tiêu lãng phí.
Tân Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết Chính phủ mới sẽ cam kết thực hiện kế hoạch soạn thảo khung tài chính trung hạn vào cuối tháng 6, trong đó áp đặt mức trần bắt buộc cho các khoản chi tiêu của ngân sách Nhà nước trong vòng 3 năm tới cũng như đưa ra các mục tiêu dài hạn.
Theo dự thảo kế hoạch cải cách tài chính, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu khôi phục cân bằng ngân sách và đưa chênh lệch thu-chi ngân sách trở lại thặng dư vào tài khóa 2020 sau khi cắt giảm 1/2 thâm hụt ngân sách vào tài khóa 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này không bao gồm các mục tiêu cơ bản về cải cách thuế như xác định thời điểm tăng thuế tiêu dùng hoặc làm thế nào để cải cách toàn diện hệ thống thuế. Theo kế hoạch, văn bản này sẽ được thông qua trong phiên họp nội các vào cuối tháng này.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhật Bản là nước có tỷ lệ nợ công lớn nhất trong các nước công nghiệp phát triển. Trong năm 2009, nợ công đã chiếm tới 218,6% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Về vấn đề thiểu phát, Thủ tướng Kan nhấn mạnh sự cần thiết phải chữa trị căn bệnh kinh niên này, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) để chấm dứt tình trạng này./.