Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều nhà đầu tư của Cộng hòa Séc vào Việt Nam hợp tác, kinh doanh.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn EGAP Karel Pleva
|
Tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn bảo hiểm và bảo lãnh xuất khẩu (EGAP) của Cộng hòa Séc, ông Karel Pleva, ngày 4/2, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ truyền thống tốt đẹp.
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự cổ vũ và hỗ trợ từ Cộng hòa Séc (trước đây là Tiệp Khắc). Vì vậy, trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, Việt Nam chú trọng tăng cường hợp tác toàn diện với các nước có quan hệ truyền thống như Cộng hòa Séc, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Những người Việt Nam được đào tạo ở Cộng hòa Séc trước đây sẽ là sợi dây liên kết, tăng cường hợp tác giữa hai dân tộc. Các doanh nhân Cộng hòa Séc đến Việt Nam không chỉ được chào đón như các nhà đầu tư, mà còn là những người bạn của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao các dự án của EGAP tại Việt Nam; đồng thời mong muốn từ thành công của EGAP sẽ có nhiều nhà đầu tư của Cộng hòa Séc vào Việt Nam hợp tác, kinh doanh. Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, luật pháp đảm bảo công bằng với tất cả các bên tham gia đầu tư.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Karel Pleva báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về một số dự án trọng điểm mà EGAP tham gia bảo lãnh tại Việt Nam, như nhà máy ximăng Phú Sơn, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nhà máy sản xuất cao lanh tại tỉnh Quảng Bình.
Ông Karel Pleva khẳng định, EGAP rất quan tâm tới các dự án hợp tác giữa hai nước và sẽ nỗ lực tham gia để các dự án này có thể đạt hiệu quả cao nhất. Phương châm của EGAP là luôn gắn chặt hợp tác kinh tế với tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Ông Karel Pleva cho rằng, trong thời điểm hiện nay, đầu tư của Cộng hòa Séc vào Việt Nam còn khiêm tốn, nhưng sau một quá trình dài giữa hai nước không có sự kết nối kinh tế thì đây là nền tảng cho hợp tác kinh tế phát triển trong tương lai./.