UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tỉnh đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, sẽ hỗ trợ trên địa bàn mỗi huyện, thành phố hình thành, phát triển từ 3-5 làng nghề và xây dựng được từ 2-3 thương hiệu sản phẩm đặc thù.
|
Làng nghề bánh tráng Phú Long, Hàm Thuận Bắc
|
Đề án đặt mục tiêu phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội địa phương theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Đồng thời, kết hợp du lịch làng nghề và sinh hoạt văn hóa-dân tộc, bảo tồn các lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để từng bước phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, trên cơ sở nâng cấp cải tạo hạ tầng kỹ thuật để vừa phục vụ phát triển sản xuất vừa tạo điều kiện thu hút du khách tham quan và tiếp cận sản phẩm làng nghề.
Cụ thể, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020, giá trị sản xuất khu vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 16-18%; về giá trị, phấn đấu đến năm 2015 đạt 660 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tạo thêm việc làm mới cho khoảng 12.000 lao động, nâng tổng số lao động khu vực ngành nghềtiểu thủ công nghiệpvà làng nghề lên 25.000 lao động vào năm 2020; nâng mức thu nhập bình quân đạt 1,8-2 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015 và tăng lên 2,8-3 triệu đồng/người/tháng vào năm 2020.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án tập trung các nhóm giải pháp chủ yếu như: ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề; đầu tư hạ tầng làng nghề, cụm điểm công nghiệp; quy hoạch, khai thác nguồn nguyênliệu phục vụ sản xuất; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại và huy động các nguồn vốn cho phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Tổng nguồn vốn để thực hiện đề án là 2.400 tỷ đồng./.
Gia Vi
Cổng thông tin điện tử Chính phủ