Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến gần tới thực hiện Hiệp định về Khu vực Tự do Thương mại ASEAN (AFTA), với biểu thuế quan đối với hầu hết hàng hóa buôn bán nội vùng sẽ được bãi bỏ từ đầu tháng 1/2010 tại 6 nước thành viên ban đầu của khối là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Theo Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 15 vừa kết thúc tại Cha-am Hua Hin của Thái Lan cuối tuần trước, tất cả các hàng hóa nằm trong danh mục cắt giảm theo tinh thần của Thỏa thuận về Biểu thuế ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) sẽ được dỡ bỏ thuế tại 6 nước kể trên từ ngày 1/1/2010.
Các hàng hóa đó chiếm 87,2% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực. Trong khi đó, 4 thành viên còn lại bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng không ở quá xa thời điểm triển khai những cam kết thực thi CEPT do 98,86% các sản phẩm và hàng hóa của họ đang nằm trong khung biểu thuế 0-5%.
Dự kiến Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ lộ trình tự do buôn bán hàng hóa vào năm 2015.
AFTA, được khởi động từ năm 1993, quy định các nước cắt giảm dần biểu thuế đối với hàng hóa và sản phẩm mua bán trong khu vực, góp phần thúc đẩy thương mại nội khối. Tin tức cho hay từ năm 2004 đến 2008, giá trị thương mại giữa các nước ASEAN đã tăng vọt từ 260,7 tỷ USD lên 458,1 tỷ USD.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 6, AFTA đã không hề làm giảm hoạt động buôn bán của khối với những quốc gia khác. Thương mại của ASEAN với Liên minh châu Âu (EU) đã tăng mạnh từ 131,54 tỷ USD năm 2004 lên 202,36 tỷ USD năm 2008, trong khi giao thương với Mỹ cũng tăng từ 135,86 tỷ USD lên 181,04 tỷ USD.
Một trong những lý do giải thích thương mại nội khối tăng đồng thời cùng hoạt động buôn bán với các thị trường quan trọng khác là vì phần lớn mậu dịch trong vùng tập trung vào trao đổi những cấu kiện phụ tùng được sử dụng để lắp ráp những thiết bị máy móc nhằm tái xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của khu vực là EU và Mỹ. Có thể năm nay buôn bán nội khối giảm cùng với xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU sa sút.
Từ chỗ tập trung vào nhập khẩu và sau đó vào các ngành sản xuất những sản phẩm thay thế hàng nhập ngoại, các nền kinh tế châu Á bắt đầu dựa nhiều vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng trong nước từ thập niên 1980.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, người ta đề cập nhiều tới việc chính phủ các nước ASEAN chuyển hướng tới chi tiêu tiêu dùng trong nước, coi đó là động lực mới của tăng trưởng kinh tế khu vực. Nhưng điều này đã không diễn ra sớm do các nền kinh tế ASEAN tranh thủ việc đồng nội tệ của họ sụt giá so với đồng USD để tăng cường xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, AFTA và nhiều hiệp định thương mại khác đang buộc các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh.
Đến nay AFTA được đánh giá là một hiệp định hữu hiệu giúp đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong khu vực, giúp các nước ASEAN giảm thiểu được những ảnh hưởng của nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên thị trường Mỹ và EU.
Tuy nhiên, để trở thành người thắng cuộc trong một thị trường ASEAN đơn nhất có tổng cộng 560-580 triệu dân, các doanh nghiệp ASEAN cần nâng cao năng lực sản xuất sáng tạo, khả năng cạnh tranh và chất lượng nhân lực bên cạnh việc có một môi trường kinh doanh thuận lợi./.