Nếu so sánh trong tương quan với sự phát triển thương mại của Việt Nam với các đối tác kinh tế khác cũng như bản thân sự phát triển thương mại của Việt Nam thì kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc là một trong những minh chứng cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, thực sự có ý nghĩa to lớn.
|
Tốc độ tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc từ 1992 đến nay đạt mức bình quân 27% hàng năm
|
Ngày 20/10, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Đây là lần đầu tiên, ông Lee Myung-bak tới Việt Nam, nhưng là chuyến công du Việt Nam thứ tư của một nguyên thủ Hàn Quốc. Đây được xem là một chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng bởi hai bên sẽ công bố việc nâng cấp quan hệ song phương lên "Quan hệ đối tác chiến lược".
Cũng nhân dịp này, từ ngày 18 - 25/10/2009, tại Hà Nội sẽ diễn ra Tuần lễ Việt Nam – Hàn Quốc 2009 với chủ đề “Chung tay xây dựng tương lai” tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Hợp tác kinh tế; Trao đổi văn hóa và Giao lưu quốc tế.
Hàn Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam
Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Kể từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Về thương mại, trong nhiều năm, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Hai nước đã thành lập cơ chế Uỷ ban liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc và tổ chức họp định kỳ để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Tốc độ tăng trưởng thương mại song phương từ 1992 đến nay đạt mức bình quân 27% hàng năm, đặc biệt kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO 1/1/2007 đến nay tăng bình quân 42,5%. Nếu như năm 1992 thương mại hai chiều mới chỉ đạt khoảng 500 triệu USD (bằng 0,31% tổng thương mại song phương của Hàn Quốc với các nước), thì năm 2008, 16 năm sau, con số đã là xấp xỉ 10 tỷ USD (bằng 1,15% tổng thương mại của Hàn Quốc với các nước), tăng hơn 20 lần. Nếu so sánh tương quan với sự phát triển thương mại của Việt Nam với các đối tác kinh tế khác cũng như bản thân sự phát triển thương mại của Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy con số trên thực sự có ý nghĩa to lớn. Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu thứ 11 và là đối tác nhập khẩu thứ 31 của Hàn Quốc.
Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ tới thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Thương mại song phương 8 tháng chỉ đạt 5,8 tỷ USD, giảm -21,6% so với cùng kỳ 2008, trong đó xuất khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam giảm -24,6% và nhập khẩu vẫn giữ được mức độ tăng tuy yếu +4,6%. Tuy vậy đà tăng kim ngạch kể từ tháng 7 trở lại đây, cùng với những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt là sự chuyển hướng vào các thị trường ổn định như Việt Nam sẽ góp phần giúp thương mại hai nước trong các tháng cuối năm sẽ tăng trưởng trở lại đà như trước đây.
Xét về mặt hàng thì có thể thấy sự thay đổi mạnh mẽ về chất trong cơ cấu mặt hàng xuất nhập khấu song phương giữa hai nước. Cơ cấu này thay đổi theo hướng tích cực hỗ trợ cho sự phát triền bền vững của nền kinh tế Việt Nam, giúp tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập.
Mặc dù bị tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc vẫn tăng trưởng dương (+4,6%), bất chấp sự suy giảm nhập khẩu của Hàn Quốc cũng như suy giảm xuất khẩu vào Hàn Quốc của các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực cho thấy việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu cũng như tập trung vào khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực đã và đang là động lực để các nhà nhập khẩu Hàn Quốc tới thị trường Việt Nam. Xu thế này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian trung hạn bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc đang chuyển từ công thức Trung Quốc + 1 sang làm ăn với Việt Nam và từ thị trường 86 triệu dân này để tiếp cận thị truờng Trung Quốc và các nước ASEAN.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc vì lợi ích hai bên, vì lợi ích của khu vực và thế giới
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã gây khó khăn rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, thương mại của Việt Nam với các nước cũng như thương mại song phương Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên cũng chính cuộc khủng hoảng này đang tạo ra cơ hội lớn để phát triển quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước khi mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hàn Quốc xem xét lại các danh mục đầu tư và tìm kiếm các thị trường có tính ổn định và nhiều lợi thế cạnh tranh khác (ngoài Trung Quốc, Ấn Độ...) và đã khiến nhiều công ty Hàn Quốc chuyển hướng đầu tư và làm ăn với Việt Nam.
Trong quan hệ thương mại song phương với Hàn Quốc, Việt Nam luôn trong vị trí của nước nhập siêu kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao kinh tế chính thức 1992. Năm 2008 chúng ta nhập siêu 5,77 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD mức nhập siêu 2007 và gần gấp đôi mức nhập siêu 2006 (3,03 tỷ USD). Trong 8 tháng đầu năm 2009 đạt mức nhập siêu 2,89 tỷ USD. Tuy nhiên nếu nhìn vào cơ cấu nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc việc nhập siêu có liên quan đến phần lớn nhập khẩu cho đầu tư và sản xuất. Nhóm các mặt hàng nhập khẩu gây nhập siêu bao gồm xăng dầu, máy móc thiết bị, ôtô, nguyên phụ liệu ngành dệt may và da giầy, hạt nhựa, hóa chất tổng hợp, sắt thép cho xây dựng và công nghiệp đóng tầu và xây dựng... Các nhóm hàng này là các hàng hóa mà chúng ta chưa sản xuất được, và đồng thời lại là nhóm hàng hóa bán sản phẩm sử dụng để sản xuất và xuất khẩu sang thị trường khác cũng nhu dùng để đầu tư cho phát triển công việc kinh doanh. Nói chung, đa phần các mặt hàng nhập khẩu khiến nhập siêu nhanh là các mặt hàng nhập khẩu cho đầu tư, “nhập khẩu có ích“. Phần nhập khẩu này là đầu vào cho xuất khẩu hàng hóa tới thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản...
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong năm 2008, Hàn Quốc đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, và đứng thứ 4 về quy mô đầu tư. Tính đến tháng 2/2009, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 16,2 tỷ USD (gấp 60 lần so với năm 1992) với 2.064 dự án, tạo ra khoảng hơn 500 nghìn việc làm.
Việt Nam là một trong những nước được ưu tiên trong chính sách viện trợ phát triển của Hàn Quốc. Tổng ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam giai đoạn 1993-2008 là 471,4 triệu USD. Đầu tháng 8-2008, Hàn Quốc đã ký với Việt Nam Thỏa thuận khung về việc Hàn Quốc cung cấp 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi từ Quĩ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) cho Việt Nam trong giai đoạn 2008-2011. Với cam kết này, Hàn Quốc trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ 2 tại Việt Nam (chỉ sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước nhận hỗ trợ phát triển nhiều nhất của Hàn Quốc.
Hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ 3 của Việt Nam. Khoảng 54.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Ngày 25/5/2004, Việt Nam và Hàn Quốc ký thoả thuận mới về đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo Luật cấp phép lao động (EPS) của Hàn Quốc.
Có thể thấy việc phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc là một logic tự nhiên vì lợi ích của cả hai bên và lợi ích chung của khu vực và thế giới./.
Linh Đức
Cổng thông tin điện tử Chính phủ