Việt Nam sẽ nhận khoản hỗ trợ tài chính trị giá 630 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để tiếp tục tiến hành việc đổi mới các doanh nghiệp nhà nước.
|
Trụ sở Ngân hàng Phát triển châu Á ở Manila, Phillipines.
|
Ngày 14/12, Ban giám đốc ADB đã phê chuẩn kế hoạch cấp vốn nhiều giai đoạn trị giá 630 triệu USD cho chương trình “Tạo thuận lợi cho quản trị và đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam”.
Kế hoạch này tiếp nối các hỗ trợ của ADB đối với chương trình đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ thông qua các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Mục đích của khoản hỗ trợ là đưa các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả hơn, minh bạch hơn và đem lại lợi nhuận nhiều hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở thêm nhiều cơ hội hơn cho khu vực tư nhân.
Theo ADB, kể từ năm 1992, Chính phủ Việt Nam đã và đang tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước – hoặc chuyển đổi các doanh nghiệp này thành các công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn nhưng tiến độ tương đối chậm và chỉ thực hiện chủ yếu với các doanh nghiệp có qui mô nhỏ.
Chính phủ hiện đang có kế hoạch cổ phần hóa và chuyển đổi các tổng công ty lớn của nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của các tổng công ty này và khơi dậy tiềm năng phát triển của các công ty con. Hỗ trợ của ADB sẽ góp phần tạo thuận lợi cho tiến trình này bằng việc đưa các tổng công ty là đối tượng chuyển đổi và cổ phần hóa hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư bên ngoài khác thông qua việc củng cố bảng cân đối tài chính, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các tổng công ty, hợp lý hóa các qui trình quản lý và nâng cao tính minh bạch theo các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận.
Chương trình mới của ADB cũng sẽ cung cấp hỗ trợ đào tạo và các hỗ trợ khác cho các cơ quan Chính phủ liên quan đến tiến trình đối mới doanh nghiệp nhà nước, như Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ thứ nhất trị giá 130 triệu USD sẽ hỗ trợ việc chuyển đổi các công ty thuộc Tổng công ty Sông Đà hoạt động trong một số phân ngành kinh doanh khác nhau trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và Tổng công Đường sông miền Nam hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hậu cần (logistics).
Theo chương trình cấp vốn, ADB sẽ cung cấp 600 triệu USD từ nguồn vốn tín dụng thông thường (OCR) để củng cố bảng cân đối tài chính của một số tổng công ty được lựa chọn thông qua việc tái cơ cấu các khoản nợ ; 30 triệu USD vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động cải thiện năng lực điều hành, quản trị công ty và củng cố tổ chức.
Nguồn vốn của ADB sẽ chiểm gần 36% trong tổng số chi phí ước tính khoảng 1,77 tỷ USD dành cho việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015, phần vốn còn lại dự kiến sẽ được lấy từ đóng góp của Chính phủ, nguồn vốn của các tổng công ty tham gia chương trình và từ các nhà đầu tư chiến lược.
Trong giai đoạn 1, ADB sẽ cung cấp một khoản vay từ nguồn vốn tín dụng thông thường (OCR) trị giá 120 triệu USD và một khoản vay từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) trị giá tương đương 10 triệu USD. Các điều khoản và điều kiện cho vay OCR sẽ dựa trên chương trình cho vay theo lãi suất LIBOR của ADB, trong khi khoản vay từ ADF sẽ có thời hạn 32 năm, bao gồm một khoảng thời gian ân hạn là 8 năm. Lãi suất cho vay trong khoảng thời gian ân hạn là 1%/năm, lãi suất cho vay trong khoảng thời gian còn lại là 1,5%/năm.
Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện chương trình và chương trình cấp vốn sẽ được thực hiện từ tháng 12/2009 đến tháng 12/2015./.