Với 57 phiếu thuận và 35 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 13/12 đã thông qua gói dự luật chi tiêu trong tài khóa 2010 (bắt đầu từ ngày 1/10/2009), trị giá 1.100 tỷ USD.
Gói dự luật chi tiêu trên dành cho các chương trình trợ cấp liên bang và các chương trình hoạt động của Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ Con người cùng một số cơ quan chính phủ khác.
Sau khi Thượng viện thông qua, dự luật chi tiêu dày hơn 1.000 trang này sẽ được chuyển lên Tổng thống Barack Obama ký ban hành luật.
Gói dự luật bao gồm ngân sách dành cho các cơ quan của chính phủ, trị giá 447 triệu USD, được Hạ viện thông qua tuần trước; khoảng 650 triệu USD cho các chương trình phúc lợi liên bang như chương trình chăm sóc sức khỏe, chương trình viện trợ y tế; và 3,9 tỷ USD cho các dự án nhằm giúp người dân Mỹ "giành" lại nhà ở đã bị tịch biên do nợ quá hạn.
Bên cạnh đó, dự luật còn cho phép tăng 10% mức chi bình quân cho các chương trình do Quốc hội trực tiếp điều hành, 15% cho các chương trình liên quan tới cựu chiến binh, 5% cho hoạt động của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và 7% cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Dự luật cũng bao gồm nhiều điều khoản liên quan tới tăng cường nghiên cứu chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển kinh tế, an ninh, đối với các nước liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố trong đó có Afghanistan, Pakistan; cho phép tù nhân bị giam giữ tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo được chuyển về Mỹ để xét xử; hỗ trợ các ngành kinh tế và kêu gọi tăng lương cho người lao động tại các cơ sở của liên bang lên mức bình quân 2%.
Trong tài khóa 2010, Quốc hội Mỹ phải thông qua 12 dự luật chi tiêu để Tổng thống ký ban hành thành luật. Đến nay, Tổng thống Obama đã ký ban hành 5 luật. Dự kiến, tuần tới, Quốc hội Mỹ sẽ xem xét dự luật chi tiêu quốc phòng, trị giá 626 tỷ USD, theo đó, sẽ công bố chi tiết khoản chi ngân sách cho cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.
Kể từ năm 2002, tổng số tiền nợ của Chính phủ Mỹ đã tăng gần gấp đôi và có thể sẽ vượt mức trần cho phép là 12.100 tỷ USD vào cuối năm nay./.