Bước vào năm mới 2010, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lại có thêm những tín hiệu rất lạc quan, đó là so với tháng 1/2009, tháng này sản xuất công nghiệp đã tăng 37,4% và nếu tính theo phương pháp PPI, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đã có mức tăng tới 38,3%.
Trong các lĩnh vực khác, mức tăng trưởng cũng rất mạnh như trong lĩnh vực đầu tư, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách đã có mức tăng tới 21,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 34,2%; tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu tăng 18,3%, trong đó hàng xuất khẩu đạt 1,35 tỷ USD, tăng 8,8%. Điều rất đáng mừng nữa là thu ngân sách trên địa bàn ngay trong tháng đầu tiên của năm mới cũng đạt con số 13.520 tỷ đồng và có mức tăng 14%.
Thật ra, những tín hiệu phục hồi kinh tế của thành phố đã bắt đầu xuất hiện ngay từ giữa năm 2009. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trên nhiều lĩnh vực ở thành phố, trong đó rõ nét nhất là xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và du lịch. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xẩy ra.
Đối đầu trước khó khăn và thách thức, một mặt thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai thực hiện các kết luận của Trung ương, Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội bằng các kết luận của Thành ủy, Nghị quyết Hội đồng Nhân dân và Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban Nhân dân thành phố; mặt khác thành phố đã chủ động, năng động, sáng tạo ban hành nhiều giải pháp, biện pháp xử lý quyết liệt, kịp thời, quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tận dung thời cơ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ngay từ khi khủng hoảng mới xảy ra.
Với những nỗ lực đó, thành phố đã góp phần cùng cả nước ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tháng sau, quý sau cao hơn tháng trước, quý trước, đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2009 đã bắt đầu tăng trưởng nhanh dần.
Nếu như kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã sa sút mạnh trong quý I của năm 2009 khi tổng sản phẩm nội địa (GDP) chỉ đạt 4% là mức thấp nhất của hơn chục năm trở lại đây, đến quý II, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố gượng dậy ở mức 5,2%, nhưng đến quý 3 đã đạt con số 8,5% và đến quý IV đã vươn đến con số 10,4% - vượt mức 2 con số và gần bằng tốc độ tăng của các năm trước khủng hoảng và suy thoái.
Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế dần được phục hồi, thị trường nội địa tiếp tục được mở rộng; việc triển khai thực hiện tốt chủ trương kích cầu của Chính phủ và chương trình kích cầu đầu tư của thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ. Đồng thời các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực.
Tính chung cả năm 2009, GDP ở thành phố đã đạt 8%, tích cực góp phần cho kinh tế cả nước tăng trưởng 5,2%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn duy trì gấp 1,53 lần so với cả nước.
Trong bộn bề khó khăn, thành phố vẫn nỗ lực cố gắng phấn đấu hoàn thành 18/20 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, trong đó đáng kể nhất là các chỉ tiêu tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thu chi ngân sách, giải quyết việc làm, tạo việc làm mới và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Riêng đối với vốn đầu tư toàn xã hội đã đạt 143.504 tỷ đồng, có mức tăng là 23,1%, chính nhờ vốn đầu tư phát triển tăng mạnh đã góp phần tăng GDP trong ngành xây dựng, có tác dụng lan tỏa sang các ngành sản xuất khác, có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài và đặc biệt sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010. GDP bình quân đầu người năm 2009 tại thành phố đã đạt hơn 46,3 triệu đồng/người, quy đổi theo tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng thì đạt khoảng 2.606 USD/người, tăng 4,4% so với năm trước.
Những nhân tố trên đã tạo tiền đề để thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn sau khủng hoảng, là hành trang để thành phố phấn khởi bước vào năm mới 2010 với những mục tiêu cao hơn, xa hơn.
Năm 2010 thành phố tập trung nỗ lực tạo sự bứt phá để phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm mới; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện thêm đời sống nhân dân; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006-2010.
So với năm trước, các chỉ tiêu chủ yếu của năm là GDP tăng từ 10% trở lên, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 12,7%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến 172.000 tỷ đồng, bằng 41,8% GDP; thu ngân sách trên địa bàn 144.200 tỷ đồng, tăng 17,88%; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 7%, số lao động được giải quyết việc làm 270.000 người, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5,1%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (thu nhập 12 triệu đồng/người/năm) còn 7,2%.
Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, trong kế hoạch phát triển kinh tế, về dịch vụ, thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh và lợi thế so sánh; khuyến khích phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; thực hiện chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội địa; xây dựng các điểm đến du lịch, thu hút khách quốc tế, quan tâm khai thác khách du lịch trong nước.
Thành phố cũng đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp đồng thời với nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển ngành xây dựng và vật liệu xây dựng là ngành có dư địa lớn, để góp phần nâng dần giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển 4 ngành công nghiệp cơ khí, điện tử-tin học, hóa chất và chế biến lương thực-thực phẩm có giá trị gia tăng cao.
Tập trung phát triển nhanh các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, có hàm lượng khoa học-công nghệ và giá trị gia tăng cao. Đổi mới cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên, mũi nhọn phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, thành phố tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp chính sách nhằm cải thiện môi trường, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và sản xuất kinh doanh phát triển, khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy thành phố đã khẳng định, năm 2010, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII. Vì cả nước, cùng cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới cho sự phát triển trong những năm tiếp theo./.